Cứ bơm nước ngập là dân bỏ đi
Nhận được phản ánh của đông đảo người dân, phóng viên PLVN đến tổ 7, khu vực Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ ghi nhận thông tin. Tại đây, đông đảo người dân bày tỏ bức xúc đơn vị thi công khu ĐTTĐC Cửu Long – TP. Hạnh Phúc đang dồn họ vào cảnh ngập nước để nhận bồi thường bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư với mức giá “bèo nhèo”.
Ông Nguyễn Quốc Chiến (ngụ hẻm tổ 7, khu vực Bình An) nói: “Hơn 10 ngày nay, nước mưa cộng với nước từ máy bơm san lắp mặt bằng công trình xây dựng khu đô thị Cửu Long đã làm khu vực này ngập nặng hơn. Tôi phải cõng con tôi đi học. Do nguồn nước ngập bẩn nên không ít cháu trong khu vực này bị lở loét chân do tiếp xúc nhiều với nước này. Trẻ con muốn đi chơi phải bì bõm lội nước".
Dự án KĐT tái định cư Cửu Long san lấp mặt bằng gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân |
Ông Nguyễn Văn Bé (số nhà 512C/7 khu vực Bình An) vừa nói vừa chỉ tay về phía con hẻm mênh mông nước. Ở đây dân kêu trời không thấu, nước tràn ngập không xử lý được, tôi chỉ mong sao được cuộc sống như ngày xưa!”. Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Bé cho biết thêm: “Từ khi công trình Khu đô thị Cửu Long bơm cát vào để san lấp mặt bằng mà không vây bờ bao kỹ càng do đó nước và cát tràn sang khu vực khu dân cứ nên như thế này”.
Tương tự, bà Trần Thị Nga (số nhà 527/20 khu vực Bình An) cho biết: “Nhà tôi bị nước bao vây, lại phải sống trong cảnh không có nước sạch nữa, khổ lắm cậu (PV) ơi!”.
Chung nỗi niềm bức xúc ông Nguyễn Văn Tự (số nhà 511C/20 khu vực Bình An) nói: “Tôi gặp mấy anh bên phía công ty họ cho biết mấy anh không nhận tiền đền bù, tới lúc bơm nước ngập cũng phải đi thôi! Có thưa chúng tôi sẽ đi hầu”.
Không chỉ ngập nước gây ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, bà Nguyễn Thị Tuyết (số nhà 527/7 khu vực Bình An) bức xúc: “Nước ngập lênh láng từ ngoài vào trong nhà, nhà trọ tôi có 8 phòng giờ họ trả phòng dọn đi hết rồi. Ai đâu mà sống nổi cái cảnh nhà ngập suốt mà nước thì ứ đọng mãi không thoát ra được. doanh nghiệp thực hiện dự án thì phải bồi thường thỏa đáng cho người dân chứ; gây nên cảnh ngập nước như thế sao người dân sống được”.
Chính quyền: "Nếu hết mưa mà còn ngập thì…"
Trao đổi với PLVN, ngày 26/10, ông Mai Văn Điều, Phó Chủ tịch UBND phường Long Hòa, quận Bình Thủy cho biết: “Chúng tôi có nắm bắt tình hình ngập tại khu vực Bình An và đã 2 lần tiến hành làm việc với phía doanh nghiệp để họ khai thông, khắc phục ngập. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại do mưa, nước dâng và hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh nên xảy ra ngập. Nếu qua mưa, bão mà khu vực này còn ngập thì phường sẽ tiến hành làm việc với đơn vị thi công để khắc phục cho người dân. Trong vấn đề thi công thi cũng có cái này cái kia là không tránh khỏi” - ông Điều nói. “Các hộ dân mua đất xây dựng nhà nhưng không để dành lại diện tích làm cống mà xả nước thải sinh hoạt sang diện tích đất lân cận, sau khi hộ này bàn giao mặt bằng cho dự án san lấp dẫn đến ngập, do mưa và triều cường dâng. Một cách trả lời thật khó hiểu. Chẳng lẽ cứ trời mưa thì người dân trong khu vực này phải chấp nhận ngập. Điều quan trọng là dù mưa dứt đã lâu nhưng nước vẫn ngập lênh láng cả khu vực người dân sinh sống…
Dự án Khu đô thị Tái định cư Cửu Long, "tự xưng" là Thành phố Hạnh Phúc |
Còn việc không cấp nước sạch để sinh hoạt cho người dân trong hẻm tổ 7 khu vực Bình An, ông Điều cho biết: “Khu vực đó đã có quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng cho Công ty Him Lam làm dự án nhưng người dân không chịu nhận tiền bồi thường, cố tình dây dưa. Hiện tại, mình đang đẩy nhanh tiến độ bồi thường bàn giao mặt bằng do đó không thể kéo nước vô cho người dân được. Hơn nữa, nếu kéo nước vô thì người dân cứ ở đó không chịu đi, và không giao mặt bằng. Được biết, tại khu vực này hiện tại còn vài chục hộ dân vẫn chưa nhận tiền bồi thường để di dời”.
Đại diện đơn vị chủ đầu tư, ông Trần Thanh Điền, phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Cửu Long xác nhận: “Trong quá trình thi công vì để kịp tiến độ công trình cùng với việc thi công trong thời điểm mùa mưa nên đã để cho nước tràn, làm ngập ảnh hưởng tới người dân... Để khắc phục tình trạng trên, công ty đã cho tạm ngừng việc bơm cát và tiến hành tạo các đường thoát nước” - ông Điền nói. Liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Điền cho biết, bồi thường theo phương án bồi thường tổng thể, giá do nhà nước quy định đơn vị không nắm. Về phía nhà đầu tư đã chuyển hoàn toàn kinh phí bồi thường cho Trung tâm phát triển quỹ TP. Cần Thơ, vấn đề giải phóng mặt bằng là do đơn vị trung gian đất giải quyết. Ông Điền cho biết thêm, dự án hiện đang thi công với tổng diện tích 55 ha, trong đó thống kê bồi thường xong 30/43 ha, số còn lại do dân không chịu nhận tiền bồi thường và chưa bàn giao mặt bằng.
Khu chung cư “2 trong 1”
Tại khu vực trên từ năm 2004, TP. Cần Thơ phê duyệt phương án quy hoạch 1/500 xây dựng khu dân cư tại phường Long Hòa, diện tích 120,51 hécta do Cty TNHH Xuân Lan làm chủ đầu tư. Do Công ty Xuân Lan không đủ năng lực tài chính dẫn đến bắt đầu điệp khúc “treo”. Ngày 22/6/2009, TP. Cần Thơ lại có Quyết định 1846/QĐ-UBND quy hoạch xây dựng KĐTTĐC Cửu Long. Cũng ngày này, TP. Cần Thơ ra Quyết định 1850/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 khu ĐTTĐC Cửu Long. Dự án này giao cho Công ty CP Him Lam Cần Thơ (đến năm 2010 đổi tên thành Công ty CP Đầu tư bất động sản Cửu Long) làm chủ đầu tư.
*. Điều 4 của Quyết định 1850/QĐ-UBND nêu rõ: Khu ĐTTĐC Cửu Long “có hai khu chức năng ở riêng biệt gồm: Khu chung cư thấp tầng và cao tầng bố trí dọc theo Quốc lộ 91B; phần này nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng và kinh doanh. Phần diện tích còn lại bố trí dạng nhà ở liên kế tái định cư, sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư phải giao lại cho TP để bố trí nhà ở tái định cư”. Như vậy, khu ĐTTĐC Cửu Long có hai chức năng là kinh doanh và tái định cư nhưng TP. Cần Thơ đứng ra thay nhà đầu tư thu hồi đất, đền bù giải tỏa…