Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh, Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, Ban quản lý Đường sắt đô thị, các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Tại Hội nghị, Tp. Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư vào 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong 116 dự án xã hội hóa có: 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, 1 dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, 1 dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao.
Trong 11 dự án quốc gia có: 9 dự án hạ tầng giao thông, 1 dự án giáo dục đào tạo, 1 dự án y tế.
Riêng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 dự án gồm: 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND Thành phố cho biết, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội Tp. Hồ Chí Minh đến 2020, tầm nhìn 2025 với quan điểm phát triển Tp. Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao nhận thức dân cư, gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh kêu gọi các nhà đầu tư đến với Thành phố. Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Quan điểm phát triển nêu trên được cụ thể hóa thành mục tiêu xây dựng Tp. Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn vế kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Tp. Hồ Chí Minh tập trung kêu gọi đầu tư vào 09 nhóm ngành dịch vụ là: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Du lịch; Vận tải, cảng và kho bãi; Bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; Kinh doanh tài sản bất động sản; Tư vấn; Khoa học công nghệ; Y tế; Giáo dục và đào tạo và 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; Điện tử – công nghệ thông tin; Hóa chất – nhựa - cao su; Chế biến tinh lương thực thực phẩm. Bên cạnh đó, Thành phố chuyển dịch cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (2011-2015) đạt 1,19 triệu tỷ đồng, tương đương 52,3 tỷ USD, gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010. Cơ cấu kinh tế chuyển hướng tích cực và đúng hướng, khu vực dịch vụ có giá trị tăng thêm chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GRDP. Năm 2016, trong cơ cấu GRDP, lĩnh vực dịch vụ chiếm 54,8%, công nghiệp và xây dựng chiếm 28,8%, nông nghiệp chiếm 0,8%.
Một nhà đầu tư nước ngoài nêu câu hỏi với lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh về môi trường đầu tư. Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Kết cấu hạ tầng đô thị của Thành phố được đầu tư, cải tạo và nâng cấp ngày càng đồng bộ, phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế. Năng suất lao động của Thành phố giai đoạn 2010-2016 cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân chung cả nước. Thành phố tập trung nguồn lực cho dân sinh, từng bước hình thành đô thị văn minh, hiện thực hóa tầm nhìn “Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh hiện đại, nghĩa tình”.
Thông qua Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào Tp. Hồ Chí Minh 2017 lần này, lãnh đạo Thành phố mong muốn và hy vọng các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các lĩnh vực mà thành phố đang mời gọi đầu tư, cùng với chính quyền và nhân dân xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Lãnh đạo Thành phố cũng mong các nhà đầu tư đã hoạt động tại Việt Nam hiểu rõ hơn sự trân trọng của chính quyền Thành phố đối với các nhà đầu tư, sẽ giới thiệu nhà đầu tư khác biết đến Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, là nơi đầu tư đầy tiềm năng.