Nhiều sáng tạo trong thực hiện cơ chế một cửa
Làm việc với Văn phòng UBND và đại diện các sở, ngành TP HCM, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục KSTTHC đánh giá TP HCM tiên phong đi đầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Các hoạt động giao dịch dân sự, kinh tế của TP HCM có sự khác biệt, cả về quy mô diện tích và nếu thực hiện mô hình một cửa tập trung cấp tỉnh (mô hình trung tâm hành chính công) sẽ xảy ra ách tắc do vậy TP vẫn thực hiện phân tán ở các sở/ngành và thực hiện một cửa tập trung ở cấp quận, huyện và cấp xã, phường.
Về một số kết quả thực hiện Nghị định 61 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn, Văn phòng UBND TP HCM cho biết, có 1.474 thủ tục được giải quyết qua cơ chế một cửa cấp sở/ngành; 199 thủ tục cấp quận/huyện; 113 thủ tục cấp xã/phường.
Trong đó có 451 thủ tục được giải quyết theo cơ chế liên thông cùng cấp; có 371 thủ tục thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền; thực hiện 4 tại chỗ 83 thủ tục. Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trong tháng 6 là trên 6,621 triệu hồ sơ, đã giải quyết hơn 6,506 triệu hồ sơ. Tỉ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn đạt 99,19%.
Các cấp chính quyền trên địa bàn đang cung cấp 668 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4, với trên 660.000 hồ sơ, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 19,6% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2020.
Về xây dựng quy trình nội bộ theo Nghị định 61, TP HCM đã ban hành 47 quyết định, phê duyệt trên 800 quy trình nội bộ, trong đó có 73 quy trình liên thông giữa các sở ngành…
Trong quá trình thực hiện, có nhiều đơn vị sáng tạo cách làm, đổi mới phương thức giải quyết dịch vụ công nhằm tăng hiệu quả xử lý công việc, giảm thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp. Sở Công Thương và quận Tân Phú là 2 trong số những đơn vị điển hình thực hiện thí điểm cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Tại Sở Công Thương, hiện có 117 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có 68 thủ tục mức độ 4 (người dân thực hiện TTHC qua mạng và nhận kết quả qua bưu điện).
Đại diện Sở Công Thương cho biết đơn vị này đã tăng cường chức năng kiểm soát quy trình giải quyết tại Sở nhằm giám sát hiệu quả về thời gian, giảm thời gian thực hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ trong quá trình tiếp nhận; thí điểm giải quyết hồ sơ TTHC tại chỗ với 14 TTHC; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn TTHC nhằm hỗ trợ người dân thực hiện đúng các quy định TTHC và tăng tỉ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3-4; áp dụng quy trình giải quyết TTHC theo Quy chuẩn ISO9001-2015 quy định cụ thể thời gian cho từng bộ phận, từng cá nhân xử lý công việc, áp dụng phần mềm nhắc việc và cảnh báo thời gian xử lý từng công đoạn…
Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thành phần hồ sơ nhiều và dày nên khi scan dữ liệu phần mềm còn gặp khó khăn.
Trong khi đó, thực hiện Nghị định 61, quận Tân Phú tổ chức sắp xếp lại cơ sở vật chất và con người tại bộ phận một cửa. Để khắc phục việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ TTHC, quận Tân Phú triển khai thực hiện 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả). Khi nhận hồ sơ là xác định giải quyết, trả hồ sơ ngay. Tân Phú có 205 TTHC thì 53 TTHC được giải quyết 4 tại chỗ, giúp giải quyết nhanh TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhóm hồ sơ giải quyết 4 tại chỗ chủ yếu là thủ tục cơ bản (tư pháp, hộ tịch, thi đua khen thưởng, giáo dục…).
Từ cách làm của quận Tân Phú, ông Ngô Hải Phan đặt vấn đề xử lý 4 tại chỗ có thể liên thông được không? Phường tiếp nhận hồ sơ và chuyển lên quận hoặc một phường tiếp nhận và chuyển hồ sơ sang phường khác cùng địa bàn thì có xử lý 4 tại chỗ được không? Đây cũng là gợi mở cho các sở, ngành, quận, huyện nghiên cứu trong Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế thực hiện một cửa, một cửa liên thông.
Ba phương án giải quyết dịch vụ công
TP HCM có trên 320 xã/phường, 24 đơn vị cấp quận/huyện, trên 20 sở ban ngành, các ban quản lý các khu công nghiệp và như vậy sẽ tương ứng với từng ấy điểm giải quyết thủ tục. Nhưng hiện nay cơ chế một cửa gắn với thẩm quyền cơ quan hành chính một địa phương, với một cơ quan nhất định và người dân muốn làm thủ tục phải đến đúng nơi mình định cư. Như vậy, người dân vẫn phải qua nhiều cửa khi cần giải quyết TTHC.
Khắc phục những bất cập trên, VPCP xây dựng Đề án Thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. TP HCM là một trong số những địa phương được chọn thí điểm đổi mới, sau khi sơ kết sẽ nhân rộng toàn quốc.
Về những điểm đổi mới của Đề án lần này, bà Nguyễn Thị Bích Ngân, Cục KSTTHC cho biết đang xây dựng 3 phương án thực hiện.
Thứ nhất, tổ chức bộ phận một cửa theo hướng phi địa giới hành chính. Như vậy bộ phận hành chính một cửa sẽ có quyền tiếp nhận tất cả hồ sơ trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết, xử lý hồ sơ vẫn tôn trọng vai trò của địa phương. Nghĩa là người dân có thể nộp hồ sơ tại bất kỳ cấp hành chính nào và nơi đó có trách nhiệm chuyển hồ sơ về đúng nơi có thẩm quyền xử lý.
Thứ hai là xã hội hóa dịch vụ công ở một số quy trình nhất định. Theo đó, địa phương chủ động lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức đủ năng lực chuyển giao và quyết định những bước nào thì xã hội hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thứ ba, song song với việc chuyển giao một số dịch vụ công, sẽ chuyển giao việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị đối với quá trình gián tiếp và thực hiện song song để người dân lựa chọn.
Sau khi nghiên cứu ưu/nhược điểm của 3 phương án, nhiều ý kiến đang nghiêng về việc xã hội hóa dịch vụ công.
Với phương án này, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh dù tổ chức như vậy nhưng không làm mất đi vai trò của chính quyền địa phương. Ví dụ trong từng TTHC, quy trình giải quyết có bao nhiêu bước, những bước nào có thể xã hội hóa.
Các bước như tư vấn, hướng dẫn, nộp hồ sơ, scan hồ sơ, lưu chữ ký số, giám sát, trả kết quả cho người dân có thể xã hội hóa. Chỉ có cơ quan Nhà nước mới có thẩm quyền ký ra quyết định. Như vậy công chức không nhất thiết phải ngồi ở bộ phận một cửa và không còn sức ép về biên chế.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngân cho biết quy trình giải quyết dịch vụ công có 5 bước, gồm: Kê khai thẩm định hồ sơ; tiếp nhận hồ sơ; chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ; chuyển trả kết quả cho người dân. Trong số này có đến 4 bước không nhất thiết phải do cơ quan hành chính Nhà nước trực tiếp thực hiện (trừ bước 4, cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ).
Tán thành phương án xã hội hóa dịch vụ công nhưng đại diện Văn phòng UBND TPHCM đặt vấn đề, phí dịch vụ sẽ tăng/giảm ra sao so với hiện nay; trách nhiệm của đơn vị thực hiện xã hội hóa khi xảy ra sai sót, thất lạc, trễ hẹn hồ sơ…; tính kế thừa giá trị pháp lý hồ sơ của người dân sau khi kết thúc thí điểm vẫn được ổn định.