Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM vừa ban hành hướng dẫn Quy chế quản lý của cơ quan báo chí đối với hoạt động của cơ quan báo chí TP.
Theo đó, quy chế này được áp dụng đối với cơ quan chủ quản báo chí TP HCM là Thành ủy, UBND TP, Thành Hội Phật giáo TP HCM, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP HCM; Học viên Cán bộ TP HCM; Trường Đại học Sài Gòn, các cơ quan báo chí trực thuộc và các tổ chức, cá nhân có liên quan được ủy quyền thực hiện Quy chế.
Cụ thể, cơ quan chủ quản báo chí TP có quyền hạn xác định loại hình báo chí, tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, ngôn ngữ thể hiện của từng loại hình, từng loại sản phẩm báo chí, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động của cơ quan báo chí. Bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông; miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí và gửi văn bản thông báo về việc miễn nhiệm, cách chức này tới Bộ Thông tin và Truyền thông…
Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí: Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có thẻ nhà báo còn hiệu lực, có phẩm chất đạo đức tốt, không trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định về công chức, viên chức và pháp luật về lao động.
Cơ quan chủ quản cũng có nhiệm vụ bảo đảm bảo nguồn kinh phí ban đầu và điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí. Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm phi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.
Bên cạnh các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền; cơ quan báo chí có quyền tổ chức, sắp xếp nhân sự theo phân công, phân cấp quản lý bảo đảm tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, phù hợp đặc thù và tình hình thực tế. Đồng thời tổ chức các hoạt động quảng cáo, phát hành, kinh doanh dịch vụ, hoạt động xã hội; tiếp nhận sự tài trợ ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Ngoài Tổng Biên tập/Tổng Giám đốc/Giám đốc, một cơ quan báo chí sẽ có không quá 4 Phó Tổng Biên tập hoặc 3 Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc. Giai đoạn từ tháng 6/2020 đến hết năm 2022, cơ quan báo chí TP HCM có thể bố trí không quá 6 Phó tổng biên tập, không quá 3 Phó tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc…
Theo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 vừa được UBND TP HCM phê duyệt ngày 22/5, TP HCM có 27/28 cơ quan báo chí thực hiện sắp xếp với lộ trình gồm 2 giai đoạn.
Ở giai đoạn 1 (từ khi Đề án được phê duyệt đến hết năm 2020), 6 cơ quan báo chí chưa phải sắp xếp, gồm Đài Truyền hình TP HCM, Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM, Báo Công giáo và Dân tộc, Báo Giác ngộ, Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, Tạp chí Nghiên cứu phát triển.
Có 21 cơ quan báo chí phải sắp xếp, trong đó giữ ổn định một cơ quan là báo Sài Gòn Giải Phóng. 6 cơ quan báo chí sẽ chuyển cơ quan chủ quản, gồm báo Phụ nữ TP HCM, báo Tuổi Trẻ, báo Người lao động (chuyển cơ quan chủ quản về Thành ủy); Báo Pháp luật TP HCM, Tạp chí Du lịch TP HCM (chuyển cơ quan chủ quản về UBND TP), Tạp chí Phát triển nhân lực chuyển cơ quan chủ quản về Học viện Cán bộ TP HCM.
8 cơ quan báo chí khác sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động, chuyển cơ quan chủ quản. Có 6 cơ quan báo chí sẽ sáp nhập, chuyển cơ quan chủ quản. Kết quả, sau giai đoạn 1 TP HCM sẽ còn 19 cơ quan báo chí, gồm 7 báo in, một đài phát thanh, một đài truyền hình và 10 tạp chí; giảm 8 cơ quan báo chí (chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin).
Ở giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến hết năm 2025), TP HCM sẽ hoàn thành việc sắp xếp. Đến năm 2025, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo Đề án còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.