5 lĩnh vực quan trọng
Tại cuộc họp báo, ông Russel đã nêu bật 5 lĩnh vực quan trọng liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama. Thứ nhất, tăng cường quan hệ đối tác Việt Nam – Mỹ là 1 thành tố quan trọng trong chính sách của Mỹ về việc tái cân bằng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo ông Russel, Mỹ cam kết hỗ trợ cho Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định TPP. Mở rộng hợp tác an ninh song phương là một thành tố khác quan trọng trong mối quan hệ đối tác đang phát triển giữa 2 nước với các nội dung như gìn giữ hòa bình quốc tế, hợp tác trong cứu trợ nhân đạo, hợp tác trong việc nâng cao khả năng nắm bắt tình hình an ninh trên biển, hợp tác an ninh hàng hải.
Mảng lớn thứ 2 trong quan hệ song phương, theo ông Russel, là các hoạt động hợp tác và giao lưu nhân dân giữa 2 nước. Trọng tâm thứ 3 là hợp tác ứng phó trước một loạt các thách thức trong khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, y tế, dịch bệnh truyền nhiễm, thách thức từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, hướng tới một trật tự dựa trên luật pháp, giảm căng thẳng nghiêm trọng ở biển Đông, đảm bảo rằng quyền của các bên và luật pháp quốc tế được tôn trọng.
Giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, trong đó có tăng cường hợp tác về rà phá bom mìn chưa nổ, xử lý dioxin như ở Đà Nẵng là lĩnh vực quan trọng thứ 4 của chuyến thăm. Ngoài ra, 2 bên cũng sẽ thảo luận và cùng làm việc để mở rộng trong vấn đề nhân quyền, cải cách pháp luật của Việt Nam. Về thời gian diễn ra chuyến thăm, ông Russel cho biết chuyến thăm sẽ diễn ra vào cuối tháng, cùng dịp Tổng thống Obama tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật.
Biển Đông sẽ được bàn kỹ
Tại họp báo, ông Russel cho hay nhiều nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về một số hành động của Trung Quốc như tiến hành cải tạo các thực thể địa lý, xây dựng quy mô lớn và quân sự hóa các tiền đồn ở biển Đông.
“Cách đây 2 ngày, tôi ở Lào để tham dự cuộc họp các quan chức cấp cao của ASEAN và các đối tác.Gần như tất cả đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng ở biển Đông, nêu rõ ràng rằng tất cả các bên cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền của tất cả các nước theo quy định của luật pháp quốc tế” – ông cho biết.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Mỹ không đứng về bên nào tuyên bố chủ quyền ở biển Đông để chống lại bên kia song đứng về phía luật pháp quốc tế, cụ thể là ủng hộ Luật Biển quốc tế. “Các tàu thuyền, máy bay của Mỹ có thể đi lại bất cứ đâu trên thế giới mà luật pháp quốc tế cho phép song chúng tôi không thỏa mãn nếu cả các nước khác, kể cả các nước nhỏ, không được hưởng những quyền mà chúng tôi được hưởng. Tôi tin rằng trong chuyến thăm sắp tới, vấn đề biển Đông sẽ được Tổng thống Obama thảo luận kỹ với những lãnh đạo Việt Nam” – ông nói thêm.
Cùng lúc ông Russel đưa ra các thông tin trên, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ ngày 10/5 đã đi vào khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Reuters dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban cho biết, hoạt động của tàu USS William P. Lawrence là một hoạt động tự do hàng hải và để “thách thức các tuyên bố chủ quyền quá mức của một số bên có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông”.
Theo ông Ian Storey – một chuyên gia về biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, Đá Chữ Thập là một thực thể nhạy cảm vì nó được cho là sẽ trở thành trung tâm của các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biển Đông trong tương lai do nơi đây hiện đã có cơ sở hạ tầng được mở rộng, bao gồm cảng biển lớn và đường băng 3.000m. “Thời điểm thực hiện hoạt động là biểu hiện cho quyết tâm của Mỹ trước chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam vào cuối tháng này” – ông Storey nói thêm.
Phát biểu tại Hà Nội, ông Russel nói rằng việc thực hiện các cuộc tuần tra như trên là chính sách được Mỹ thực hiện hàng thập kỷ nhằm thể hiện sự ủng hộ với một hệ thống quốc tế cởi mở. “Nếu các tàu hải quân không thực hiện được quyền chính đáng của mình theo luật pháp quốc tế thì làm sao các tàu thuyền của ngư dân, các tàu chở hàng thực hiện được việc đó mà không bị các lực lượng khác ngăn cản?” – ông đặt câu hỏi.
Về khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, ông Russel cho biết hiện chưa có thông tin về việc này nhưng đây là vấn đề thường xuyên được xem xét định kỳ. Ông nhắc lại việc Mỹ vào năm 2014 đã dỡ bỏ 1 phần lệnh cấm để giúp Việt Nam mua các trang thiết bị quốc phòng nhằm tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển và các vùng biển của Việt Nam.
“Việc mua sắm trang thiết bị như vậy thể hiện chính đáng nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Việc Mỹ quyết định dỡ bỏ 1 phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương này thể hiện mối quan hệ ngày càng tăng về chiến lược quốc phòng và an ninh giữa 2 nước. Trong bối cảnh mối quan hệ đối tác toàn diện song phương tiếp tục phát triển thì chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét vấn đề này” – ông cho hay.