Ông Thành sẽ nói lời tạm biệt “Ban A” này khi Dự án Đường sắt đô thi trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đang dở dang giai đoạn cuối - để tới nơi mới đầy hứa hẹn và triển vọng hơn.
Nhiều năm không “ăn” lương ngân sách
Trong một lần trả lời PLVN mới đây, ông Thành tự tin xác nhận, Bộ GTVT đang chuẩn bị làm quy trình để bổ nhiệm ông vào một vị trí khác.
Tuy nhiên, như đã thông tin, trước đó Bộ GTVT đã ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn đối với chức danh lãnh đạo cấp trưởng tại các đơn vị hành chính thuộc Bộ, thì cần phải hội đủ các điều kiện như: Tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp trở lên; tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp và phải là chuyên viên chính trở lên...
Trường hợp của ông Thành đúng như ông này từng thừa nhận là hơi có phần dích dắc về tư cách công chức. “Tôi đủ điều kiện và đã tham gia thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính từ năm 2011. Đầu năm 2013, tôi chuyển khỏi PMU1 đến công tác tại Tổng công ty Đầu tư & Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với chức vụ đầu tiên là Phó Giám đốc Ban quản lý dự án thuộc VEC. Lúc đó, mức lương bên PMU1 như nào thì chuyển sang bên này, tôi hưởng như vậy”, ông Thành nói.
Như PLVN đã thông tin, sau hơn 2 năm không có tin tức gì vể kết quả kỳ thi nâng ngạch chuyên viên, ông Thành có lẽ không mấy để ý đến việc mình là viên chức hay công chức? Bởi như ông Thành đã nói công tác ở doanh nghiệp thì không quan tâm nhiều đến yếu tố ngạch bậc như các đơn vị hành chính.
“Công chức là người hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước, còn làm ở doanh nghiệp thì hưởng lương theo quy định của doanh nghiệp và vị trí việc làm”, Tổng Giám đốc PMU Đường sắt tiếp lời.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, ông Thành bất ngờ có tin mình đỗ kỳ thi chuyên viên chính. Một thời gian sau, ông lại được tổ chức điều làm Tổng Giám đốc PMU Đường sắt - một đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ GTVT, không hưởng lương từ ngân sách, với nguồn thu chính là từ phí quản lý dự án cũng như một số nguồn khác.
“Điều này khiến tôi dù đã là chuyên viên chính (công chức loại B - PV) từ đầu năm 2013, nhưng mà nhiều năm này và cho tới bây giờ vẫn “trong vai” là viên chức...”, Tổng Giám đốc Lê Kim Thành giải thích.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang dở dang giai đoạn cuối |
Có “nợ” điều kiện?
Theo Quyết định 3689/QĐ-BGTVT ngày 15/11/2013 về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại... đối với chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ này, thì trong trường hợp phải điều động nhân sự nơi khác đến để bổ nhiệm, các cơ quan liên quan phải thực hiện các bước sau: “Tập thể lãnh đạo họp thống nhất chủ trương và thực hiện các công việc như: “Gặp nhân sự được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác; cấp trưởng đơn vị lấy ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy Đảng cùng cấp đơn vị về nhân sự được đề nghị tiếp nhận bổ nhiệm; thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín...”
Về việc này, PLVN đã liên lạc với ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT nhằm nắm thêm thông tin xung quanh công tác chuẩn bị quy trình, thủ tục đối với người dự kiến sẽ kế nhiệm ông trong nay mai, nhưng Cục trưởng Sanh chỉ nói: “Mình đến tuổi thì về hưu thôi! Có gì đề nghị liên lạc với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GTVT”.
Ngoài những thủ tục bắt buộc nêu trên, như đã nói, Quyết định 3688/QĐ-BGTVT ngày 15/11/2013 của Bộ GTVT cũng yêu cầu tiêu chuẩn đối với Vụ trưởng và cấp tương đương là phải hoàn thành các chương trình đào tạo về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ cao cấp trở lên.
Bộ GTVT mà cụ thể là Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ này đã kiểm tra, rà soát những điều kiện trên trước khi làm quy trình điều động, bổ nhiệm đối với vị trí này?