Liên tiếp trong những ngày qua là tin tức về chống người thi hành công vụ ở nhiều địa phương trên cả nước, nào là cảnh sát bị chém cụt tay, hất văng lên ca- pô, nào là kiểm lâm bị lâm tặc cán chết, rồi chấp hành viên bị đương sự đập đá vào đầu…Càng ngày thì tội phạm chống người thi hành công vụ lại càng có chiều hướng gia tăng về cả số vụ lẫn tính chất hung hãn, côn đồ.
Đối tượng hành hung CSGT bị khống chế và bắt giữ. Ảnh CAND |
Theo quy định của Bộ luật hình sự thì “người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật…” là cấu thành tội chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, trên thực tế thì những vụ chống người thi hành công vụ phần lớn chỉ được xử lý khi bị hại có thương tích, còn việc đối tượng “dùng vũ lực, đe dọa…” diễn ra hàng ngày, hàng giờ, rất phổ biến thì không bị xử lý hoặc chỉ bị phạt hành chính. Chính cách xử lý này đã gây ra tình trạng “nhờn luật” trong một số bộ phận dân cư.
Đã vậy, một số vụ chống người thi hành công vụ khi đưa ra xét xử còn được cho cải tạo không giam giữ, việc không xử lý nghiêm khiến những hành vi này càng có thêm “đất sống”.
Ý thức tôn trọng pháp luật là điều được nói đến nhiều nhất trong các vụ án chống người thi hành công vụ. Nếu tôn trọng pháp luật, người dân sẽ tự giác chấp hành mà không cần phải dùng đến các biện pháp hành chính. Giống như người đi xe máy, nếu đội mũ bảo hiểm và chấp hành đúng luật giao thông thì sẽ không bị cảnh sát giao thông ra lệnh dừng xe, đương sự tự nguyện thi hành án thì không bị chấp hành viên đưa lực lượng tới cưỡng chế. ..Không thể đổ lỗi cho sự không hiểu biết vì trong những trường hợp này pháp luật buộc phải biết, và mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý mà không có ngoại lệ.
Bên cạnh nâng cao ý thức pháp luật thì kiên quyết với tội phạm chống người thi hành công vụ cũng là một cách để phòng ngừa. Lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ cũng phải nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong làm việc và thận trọng trong hành xử để các hành vi chống người thi hành công vụ được kiềm chế ở mức tối đa.
B.A