Phiền toái đội lễ nhạc cung đình
“Buổi tối một ngày cuối năm 1897, chúng tôi quay lại Đà Nẵng bằng đường qua đèo Hải Vân. Dinh Khâm sứ chuẩn bị rất kỹ cho hành trình này. Một nửa hành trình bằng đường thủy qua những dòng sông và đầm phá; một nửa còn lại bằng đường bộ. Chúng tôi đi thuyền cả đêm và đến sáng thì cập bến làng Cầu Hai. Những người trong đoàn sẽ cưỡi ngựa đều mang ủng.
Viễn cảnh trải qua sáu đến bảy giờ đồng hồ ngủ trên sàn gỗ có trải chiếu trong một chiếc thuyền con không hề gây khó chịu mà ngược lại rất thoải mái, nhất là sau thời gian rất đỗi bận rộn ở Huế.
Chúng tôi đi bộ lúc sáng sớm hoặc trong đêm khuya. Khi đến nơi, trong khi nghi thức đón rước đang được chuẩn bị, chúng tôi chỉnh lại bàn đạp yên ngựa. Rất nhiều ngựa, xe kéo, võng, phu khênh kiệu chen chúc ở đó. Người ta đã huy động hàng nghìn người bản địa, tôi hiểu được sự phục vụ này.
Quan Phụ chính Đại thần Nguyễn Thân, vốn còn trẻ trung và tráng kiện, cùng với hai vị Thượng thư triều đình và nhiều quan lại cùng đưa chúng tôi đến tận Đà Nẵng. Theo sau tôi là cả một đội lễ nhạc với tiếng cồng và chiêng. Tôi thấy thật mệt mỏi. Tôi phải chịu đựng thứ âm nhạc kỳ lạ này suốt 50 cây số vì đó là nghi thức bắt buộc để đón Toàn quyền, khó chịu đến mức phát cáu.
Những con ngựa châu Á rất nhỏ bé nếu so với vóc dáng người châu Âu |
Đây là một lễ rước khá dài. Một vị tướng cưỡi ngựa đi đầu, theo sau là khoảng 30 lính triều đình đội mũ đỏ, tiếp sau là đội kỵ binh, rồi đến đội lễ nhạc, tôi cùng Thiếu tá Nicolas và Đại úy Dubosc đều cưỡi ngựa. Rất nhiều lần tôi đã thử thay đổi vị trí để thoát đội lễ nhạc nhưng không được. Nếu tôi phi ngựa nhanh hơn lên trước họ, thì họ vội vàng đuổi theo tôi và vẫn cầm theo nhạc cụ, nhảy qua các hố, cùng tăng tốc, gần như hụt hơi, nhưng vẫn vào đúng vị trí của mình.
Khi tôi cố tình đi cuối hàng, thì họ cũng dừng lại để đợi tôi và luôn đứng trước ngựa của tôi. Tất cả những nỗ lực của tôi đều vô ích. Tôi tự nhủ mình phải chịu đựng. Hơn nữa, họ luôn theo dõi nhất cử nhất động của tôi. Khi họ vừa đi vừa chơi nhạc thì đầu họ lúc nào cũng quay sang nhìn tôi.
Theo sau ba con ngựa của chúng tôi là rất nhiều kiệu và cáng. Quan Phụ chính Đại thần, các vị Thượng thư, quan lại hình như đã tỉnh giấc trên võng, một giấc ngủ bị đánh thức quá sớm. Ai trong số họ cũng đều có một xe kéo dự phòng để ngủ trên các chặng đường tiếp theo.
Đi cuối hàng, dưới sự chỉ huy của hai hay ba võ quan cưỡi ngựa, là một đội quân triều đình và một đám đông khuân vác, ba phần tư số đó không mang vác gì dù đồ đạc của các quan trông lủng củng và cồng kềnh. Một hàng người dài như thân rắn đi trên một tuyến đường ưu tiên, gọi là quan lộ.
Trong số những người đi cùng tôi, có một lính Pháp là Picard vốn được Thiếu tá Nicolas đưa theo từ Pháp. Picard là bộ binh thuộc tiểu đoàn Saint Mihiel do Nicolas chỉ huy. Bắt đầu đi từ Cầu Hai, Picard đã quên rằng mình là bộ binh, dù trước đó anh ta đã được đi ngựa như chúng tôi. Võng hình như là phương tiện giao thông phù hợp với một người lính thuộc quân đội của một quốc gia nắm quyền bảo hộ. Võng của anh ta di chuyển linh hoạt trong hàng. Lúc thì nó đứng hàng đầu tiên, có lúc còn đi trước cả kiệu vua.
Những người khiêng hiển nhiên là luôn nhường cho người Pháp đi trước. Picard đã tự cho mình cái quyền là người quan trọng mà không cần hỏi ai và cũng không xấu hổ hay bối rối gì. Các lọng lớn màu đỏ của các quan lại xứ An Nam cũng rất quan trọng. Từ một vị quan hàng tỉnh, Thượng thư, hay Phụ chính cho đến vua, tất cả đều được những chiếc lọng vây quanh. Tôi sẽ không thể quên được những chiếc lọng trong chuyến đi đến Đà Nẵng của mình.
Những con ngựa châu Á rất nhỏ bé nếu so với vóc dáng người châu Âu |
Phụ chính Đại thần và các vị Thượng thư thì vẫn ngồi cáng võng. Lúc mới khởi hành, tôi thấy rất nhiều người quanh mình. Họ đi cả bên trái và phải ngựa của tôi, nhưng không phải để che nắng cho tôi, mà để những người dân hai bên đường, bên cánh đồng và dưới chân núi không nhìn thấy dung mạo của tôi. Cái lọng khiến tôi khó chịu cũng như âm nhạc cung đình. Tôi ra hiệu cho những tùy tùng che lọng lui lại sau tôi. Họ không hiểu gì cả.
Sau đó, họ thấy võng của Picard đi trước võng của quan Phụ chính Đại thần không được che lọng, có thể họ đã tự nhủ rằng đó là thiếu sót, chắc họ nghĩ rằng đó là một người rất quan trọng, và rằng chính cử chỉ của tôi chỉ ra điều đó. Phản ứng này làm tôi rất hài lòng. Họ rời tôi để tới che cho Picard, còn anh ta thì không hề để ý đến việc này. Họ thấy may mắn vì đã sửa được sai lầm của mình.
Ngạc nhiên ngựa Á Đông
Đây là lần đầu tiên hai sĩ quan của chính quyền Bảo hộ và tôi biết đến những con ngựa An Nam. Trông chúng nhỏ thó đến buồn cười. Có lẽ chúng chỉ chở được những con người nhỏ bé và nhẹ cân như người An Nam, và hẳn là không chịu được cân nặng của chúng tôi. Nhưng sau đó chúng tôi nhanh chóng an tâm rằng lũ ngựa dễ dàng chở được.
Chúng tôi rất hài lòng và mong rằng không phải đi lại bằng những con thuyền chậm chạp nữa, mặc dù đúng là sẽ không cần phải đi thuyền nữa. Việc thiếu thói quen của một kỵ binh khiến chúng tôi để chân sai tư thế và bị đau chân. Điều này thật đáng ngạc nhiên vì một trong số chúng tôi là kỵ binh lão luyện, đã quen việc điều chỉnh bàn đạp yên ngựa.
Tôi nhanh chóng học được cách nhận biết và đánh giá một con ngựa tốt, khỏe mạnh, dẻo dai, nhanh nhẹn, hiền lành và ngoan ngoãn. Sức chịu đựng và đôi chân rắn chắc cho phép nó đi khắp nơi. Trong chuyến công du tại Đông Dương cũng như rất nhiều chuyến đi của mình, tôi đã cưỡi hàng trăm con ngựa khác nhau, tôi thường thấy rất thoải mái, hiếm khi xảy ra vấn đề gì. Bằng cách thay ba hoặc bốn con ngựa, tôi có thể đi từ 110 đến 120 cây số một ngày mà không mệt. Nhờ vào những con ngựa này mà tôi có thể đến biên giới hay bất cứ nơi nào cần đến trên xứ thuộc địa này một cách nhanh chóng.
Những con ngựa ở An Nam nhìn chung chỉ cao từ 1,2 mét đến 1,3 mét, hoặc chỉ bằng một chú ngựa con ở Pháp. Tôi tin rằng trong chuồng ngựa của Phủ Toàn quyền tại Hà Nội hay Sài Gòn có những con ngựa cao từ 1 mét đến 1,3 mét. Những con ngựa này lai giống với một con ngựa Pháp và đẻ ra một chú ngựa tầm 1.38 mét và thậm chí là 1,4 mét. Nhưng ngựa lai không khỏe bằng ngựa bản địa. Trông chúng thì đẹp nhưng lại rất khó cưỡi.
Toàn quyền Paul Doumer |
Từ lâu người ta đã biết đến sự dẻo dai của những con ngựa An Nam. Chúng ta có thể kể đến ngựa của Tướng Brière de l’Isle. Đó là một người rất to lớn nhưng đã cưỡi một con ngựa nhỏ thó. Ấy thế mà chú ngựa đó đã cùng ông chinh chiến trong suốt chiến dịch Bắc Kỳ. Những con ngựa An Nam nổi tiếng với sự dẻo dai và tốc độ.
Tôi có thể kể ra một số lần tôi đi từ Đà Nẵng và Huế, tôi thì đi tàu hỏa với tốc độ 16 cây số mỗi giờ qua một tuyến đường toàn đất đá. Trong khi đó có một viên quan cưỡi một con ngựa nhỏ bé chạy theo tháp tùng tôi. Những con ngựa châu Âu sẽ không thể nào chạy liên tục trên một đoạn đường sỏi đá như vậy.
Quay lại năm 1897, trong chuyến đi đến Đà Nẵng, tôi không đi nhanh được. Đám rước đi rất thong dong nên binh lính và những người cầm lọng cũng từ từ. Ở mỗi trạm dừng, họ ăn và ngủ. Quan lại đã cố gắng để tôi thoải mái nhất. Tất nhiên họ cũng cần được nghỉ ngơi thoải mái. Chúng tôi đến cảng vào ngày hôm sau. Mọi việc liên quan đến việc đưa đón tôi đã được sắp xếp, tôi không cần vội vàng. Có những người lập kế hoạch từ trước và họ theo dõi xem nó được tiến hành như thế nào.
Từ Cầu Hai, có một quãng đường qua khu vực đồng bằng dài 12 cây số, trước mắt chúng tôi núi trông khá thấp. Chúng tôi đi qua một đoạn đèo cao không quá 50 mét nhưng cũng rất khó di chuyển. Người ta đi trên những con đường theo một cách rất đặc biệt. Đó là đi trực tiếp lên đèo mà không cần dây giữ trên những sườn khá dốc.
Không thể phủ nhận rằng đó là cách nhanh nhất dù đòi hỏi cả nỗ lực và thời gian. Chúng tôi xuống và dắt ngựa, trong khi các quan triều đình vẫn yên vị trên võng và những người khiêng võng cúi gập người. Chắc hẳn từng có rất nhiều người vượt đèo, dấu chân họ vẫn còn in hằn thành những vết lồi lõm. Chúng tôi lên chầm chậm và xuống từ từ.
Cả đoàn đã xuống đến chân đèo. Sau đó chúng tôi đi qua một đoạn đường khá bằng phẳng qua những ngôi làng nằm rải rác. Người dân đứng cách xa đường một chút, họ tò mò và sợ hãi nhìn đoàn, luôn như đang trong tư thế sẵn sàng chạy trốn.
Trên đường đi, các vị chức sắc trong làng đã đặt bàn thờ và lễ cúng. Chúng tôi vượt qua họ. Chắc họ tự hỏi “Ông Toàn quyền đi đâu?”. Ngay khi kiệu của Picard đi lên trước, các vị chức sắc trong làng, trong khói bụi trên đường, cung kính cúi lạy liên tiếp. Người nọ nối tiếp người kia, và họ cảm thấy hài lòng vì đã thể hiện sự tôn kính với một người đại diện cho nước Pháp, cho vua An Nam. Về phần mình, chúng tôi không cảm thấy thoải mái chút nào.
Nỗi sợ… con trâu
Bất giác tôi nghĩ rằng, ngay cả khi tôi không ở đây, thì những nghi thức trong chuyến đi này vẫn rầm rộ và long trọng như thế. Và nếu thế, với tôi, hành trình sẽ ít ồn ào hơn, không có sự phiền phức như đám đưa rước cồng kềnh này gây ra, tôi sẽ quan sát xứ sở và con người bản địa được rõ hơn. Mặt khác, người dân sẽ không mất gì. Họ vẫn sẽ cúi chào như cúi chào trước võng lọng, và Picard hẳn sẽ chấp nhận sự tôn kính ấy mà không thấy phiền gì.
Paul Domer cho rằng những đám rước quá rình rang là không cần thiết |
Chính vì vậy tôi đã bảo với Đại úy Dubosc rằng nên đi trước đoàn. Tôi trấn an quan Phụ chính rằng nếu ông ấy không nhìn thấy tôi ở trạm nghỉ tiếp sức đầu tiên hoặc trong bữa trưa, thì là vì khi đó tôi đã đi trước rồi và đã có Thiếu tá Nicolas hộ tống. Đội lễ nhạc đã đi theo tôi rất lâu, và thật tốt là họ đã bớt hướng theo tôi. Họ không có thời gian để nhận ra và ngay khi họ bắt đầu theo tôi, thì Thiếu tá Nicolas chặn họ lại. Họ không ngần ngại tham gia cùng đám người mang lọng đi theo võng của Picard. Bởi anh ta không cảm thấy khó chịu vì vinh hạnh này.
Chúng tôi vượt lên đi trước về hướng Đà Nẵng. Thật hạnh phúc vì lúc này chỉ có mình chúng tôi, và chúng tôi sẽ đi nhanh để bù lại thời gian đã mất trước đó. Ngựa của chúng tôi phi nhanh, chúng vốn không thấy thoải mái khi phải bước đi chậm rãi. Trước mặt lại là một đèo cao và khó vượt qua hơn so với hai cái trước, nhưng nó không thể gây khó khăn cho chúng tôi. Sở Công chính của chính quyền Bảo hộ vẫn chưa chú ý gì đến đoạn đường dẫn tới kinh thành, nên chúng tôi vẫn không rõ tình trạng tồi tệ của nó.
Chúng tôi không đơn độc. Ngoài Trung tá và tôi còn một người dẫn đường, đó là một viên quan võ trong đoàn mà ban nãy chúng tôi tách khỏi, anh ta đã theo rất sát chúng tôi trên đường. Anh ta chỉ cách chúng tôi có ít mét. Chúng tôi cũng không cần đến anh ta lắm, mà tin tưởng vào trực giác là mình đang đi đúng đường và không lạc lối.
Chúng tôi phi ngựa qua bãi cát ven đầm gần biển của làng Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân. Ở bên trái, mặt đất đầy những cây bụi và cây khô còi cọc. Nó như một vòng đệm bao quanh bờ biển, và những thanh âm của biển vang đến tai chúng tôi.
Ngựa của chúng tôi chạy nước kiệu song song nhau. Đến một lúc, về bên trái phía trước mặt cách chúng tôi khoảng 50 mét bỗng hiện ra một con trâu đen to béo đang thở hồng hộc. Ngay lúc chúng tôi còn chưa kịp trao đổi với nhau vì dáng vẻ kém thân thiện của con vật khổng lồ, thì cả một đàn trâu giống con đầu tiên đã xô ra khỏi bụi rậm.
Thái độ của chúng đối với chúng tôi chẳng có tí gì là hòa khí. Chúng đã dàn hàng tiến lên, đập chân xuống cát, cúi thấp đầu để giương lên những cặp sừng cong dài, sẵn sàng xông tới. Chúng tôi vội thúc ngựa phi nước đại trong tâm trạng lo lắng và run rẩy. Tôi dám chắc rằng ngay lúc đó, chúng tôi đã có trong một phút sững lại vì hốt hoảng.
Một nhóm người Pháp tại lăng Tự Đức khoảng 1897 |
Bỗng có tiếng thét thất thanh buộc chúng tôi phải quay đầu nhìn. Viên võ quan dẫn đường thấy nguy hiểm, anh ta bèn phi nước đại lồng lên để bắt kịp chúng tôi, vượt qua đến trước bầy trâu, nhảy xuống đất, bốc cát ném vào đầu đàn trâu. Tất cả diễn ra rất nhanh và tôi không thể miêu tả thêm gì khác. Những con trâu giật mình bởi tiếng thét và bị ném cát nên có vẻ e ngại.
Thế là đủ để những con ngựa của chúng tôi trải qua một phen hú vía, còn sợ hơn cả khi bị roi quất, đã mang chúng tôi vượt qua con trâu cuối cùng. Chính vì thế mà khi nãy chúng đã phi rất nhanh. Người trông bầy trâu đã đến và lùa trâu đi. Thật may mắn là khi tấn bi kịch đã bị ngăn chặn lại ở ngay màn dạo đầu.
Chúng tôi đi chậm lại, ngồi vững trên yên ngựa. Viên quan dẫn đường vẫn đang đe dọa và dùng gậy chỉ ngựa đánh những người trông bầy trâu, họ là những kẻ bất hạnh đang tự cứu mình bằng cách quát nạt bầy trâu; viên quan nhảy lên lưng ngựa và quát tháo ra lệnh cho cả đám người trông lẫn bầy trâu vốn đang cuống cuồng chạy trốn khỏi cồn cát.
Sau sự việc kinh hoàng vừa rồi, chúng tôi cười chảy nước mắt vì viên quan dẫn đường có một tính cách thật hài hước và khó đoán. Tóm lại, cảnh báo rất ngắn: Nhờ đó chúng tôi nhận biết về những con trâu và cách xử lý chúng. Một kinh nghiệm bổ ích qua chuyện vừa rồi.
Những người An Nam thường nói rằng: trâu không thích người phương Tây vì họ trông như những xác chết, vì thế đừng để trâu gần người phương Tây. Câu nói thấy người châu Âu như xác chết không phải là về cảm nhận của những con trâu mà là của người dân An Nam. Họ không ưa gì mùi của chúng ta. Họ đã tìm ra nguyên nhân khiến những con trâu thù địch với người châu Âu. Và sự thù địch này đôi khi lại gây ra những hậu quả rất bi thảm.
Cảnh sống của người dân tại Đà Nẵng năm 1897 |
Rất nhiều người Pháp đã bị đá, bị húc và giết chết bởi những con vật to lớn đó, đặc biệt là ở Nam Kỳ, dường như những con vật ở đó hung dữ hơn tại các nơi khác. Vào năm 1901, ở Sài Gòn, một sáng sớm nọ có một con trâu húc chết một cô gái trẻ đang tưới hoa trong vườn. Nó đã dùng sừng của mình để giết cô gái.