[links()]Kết luận giám định dựa trên hồ sơ trưng cầu giám định nhưng không được xem là chứng cứ mà Tòa tự đưa ra kết luận dựa vào những lời khai mâu thuẫn của bị cáo.
Tòa tự “giám định”
Như PLVN đã phản ánh vụ án Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ do các cơ quan tố tụng huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương giải quyết có dấu hiệu oan sai nghiêm trọng mà các cơ quan tố tụng huyện Thanh Hà phải xem xét lại. Ngày 21/6/2013, TAND huyện Thanh Hà đã xét xử vụ án này.
Trong phiên xét xử sơ thẩm, những dấu hiệu oan sai của vụ án đã được phơi bày trước tòa. Đặc biệt, những sai phạm trong quá trình điều tra vụ án cũng được luật sư bào chữa của bị cáo Bùi Đình Hà nêu rõ để yêu cầu điều tra lại vụ án. Nhưng, HĐXX đã bỏ qua các yêu cầu chính đáng của bị cáo, thậm chí phủ nhận luôn cả kết luận giám định chỉ vì kết luận giám định có lợi cho bị cáo.
Trở lại nội dung vụ án, khoảng 19h30 ngày 31/3/2012 tại vị trí gần km số 9 đường tỉnh lộ 390 có một xe ô tô BKS 34C-00512 chở xi măng do anh Bùi Đình Hà điều khiển theo hướng Cầu Hương đi Chợ Cháy. Phía trước mặt xe ô tô của anh Hà là một xe máy đi ngược chiều do ông Trần Doãn Đính điều khiển. Cùng lúc đó, một xe máy khác đi cùng chiều với ô tô của anh Bùi Đình Hà do anh Ngô Đức Công điều khiển đã vượt bên trái xe ô tô của anh Bùi Đình Hà.
Khi xe của anh Ngô Đức Công vượt qua đầu ô tô thì gặp xe máy do ông Trần Doãn Tính điều khiển và hai xe đã “đấu đầu” vào nhau. Vụ va chạm bất ngờ và rất mạnh khiến phần đầu 2 xe máy biến dạng, đẩy hai xe văng về hai phía, cách nhau gần 7m. Trong số 4 người ngồi trên 2 xe máy, 3 người đã tử vong, trong đó có 2 người điều khiển phương tiện.
Khi điều tra vụ án này, CQĐT đã trưng cầu giám định làm rõ các phương tiện trên có va chạm với nhau hay không, chiều hướng va chạm và đặc biệt là thứ tự va chạm giữa các phương tiện xấu số. Tại kết luận giám định số 101/KLGĐ ngày 18/4/2012 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hải Dương xác định rõ, hai xe máy đã va chạm nhau theo hướng ngược chiều và sau va chạm này thì ô tô do anh Hà điều khiển mới đâm vào phần đuôi xe máy do anh Ngô Đức Công điều khiển. Kết luận này dựa vào dấu vết để lại tại hiện trường và trên các phương tiện bị nạn.
Kết luận giám định này hoàn toàn phù hợp với quy luật vật lý là xe ô tô do anh Hà điều khiển không thể “đâm” vào xe máy do anh Công điều khiển khi anh Công điều khiển xe máy vượt bên trái ô tô với tốc độ nhanh hơn tốc độ của ô tô. Như luật sư Chu Đông phân tích về quy luật vật lý là khi đi cùng chiều thì xe đi chậm không thể “đâm vào đít” xe đi nhanh hơn. Với tài liệu trên đã đủ chứng minh việc buộc tội là thiếu căn cứ và việc bị cáo kêu oan là có cơ sở.
Nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra ngay tại phiên tòa. Tòa án đã bác bỏ kết luận giám định vì kết luận “không phù hợp với lời khai của bị cáo”. Trong khi đó, bị cáo một mực kêu oan và khẳng định không gây ra tai nạn, không hiểu Tòa dựa vào lời khai nào để khẳng định kết luận giám định là không phù hợp với lời khai của bị cáo. Sau khi phủ nhận giá trị của kết luận giám định, HĐXX tự kết luận, với dấu vết được ghi nhận trong biên bản hiện trường thì xe ô tô của bị cáo đã “đâm” vào xe của anh Công (xe đi nhanh hơn, cùng chiều).
Sau khi “tự giám định”, Tòa án tuyên bị cáo Hà 7 năm tù. Với bản án này, những sai phạm của CQĐT và VKS đã được tòa nhận hết.
Kiểm sát điều tra “đồng lõa” với sai phạm
Vụ án có dấu hiệu oan sai này đã có những sai phạm ngay từ những tài liệu đầu tiên. Trong đó, kiểm sát viên có trách nhiệm kiểm sát việc lập biên bản khám nghiệm hiện trường đã làm lơ những sai phạm của điều tra viên khi mạo chữ ký của người liên quan đến tai nạn.
Theo các luật sư bào chữa trình bày tại phiên tòa thì trong quá trình điều tra, điều tra viên đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng khi tự ý ghi tên anh Bùi Đình Hà vào biên bản khám nghiệm hiện trường và biên bản khám nghiệm phương tiện rồi tự ý ký thay đương sự này, mặc dù anh Bùi Đình Hà không tham gia quá trình khám nghiệm. Đặc biệt, biên bản khám nghiệm có sự tham gia của kiểm sát viên Nguyễn Thị Phượng.
Biên bản khám nghiệm phương tiện và hiện trường mạo chữ ký của đương sự đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng, không chỉ không có giá trị chứng cứ mà còn phải xem xét trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên. Việc này đã được các luật sư công khai tại phiên tòa.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, do việc khám nghiệm không bắt buộc phải có bị cáo tham gia nên biên bản mạo chữ ký của anh Bùi Đình Hà vẫn được sử dụng làm chứng cứ. Với việc đánh giá và sử dụng chứng cứ như trên, không chỉ nội dung vụ án cần được xem xét lại mà trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong vụ án này cũng cần phải được làm rõ.
Bình Minh