Một vụ án dân sự không mấy phức tạp nhưng để tìm kiếm công lý những bị đơn đã "bỏ mặc" tuổi già đeo đuổi vụ việc vì những phán quyết phi lý của Tòa. Đây là vụ án dân sự điển hình cho quan niệm “án dân sự, sáng đúng, chiều sai…mai lại đúng”. Sau phán quyết của TANDTC, cuối cùng công lý cũng thuộc về lẽ phải.
Tuy nhiên, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, Tòa xử sai, cả khối di sản bị mang đi bán. Quyết định giám đốc thẩm bác bản án phúc thẩm thì dù được vạ, nhưng đương sự đã "chẳng còn má để sưng". Vấn đề là TAND Thái Nguyên sai, nhưng không chịu khắc phục hậu quả mà lòng vòng đùn đẩy trách nhiệm, khiến công lý mãi vẫn chưa được thực thi
Khi Tòa sai phạm có hệ thống
Vụ việc này đã được báo PLVN phản ánh trong rất nhiều loạt bài, nên nội dung vụ án chúng tôi sẽ không nhắc lại. Ở đây chúng tôi sẽ bàn về những sự sai phạm trong quá trình thụ lý và xét xử của TAND tỉnh Thái Nguyên, gây bức xúc cho dư luận và các đương sự trong vụ án.
Ngày 10/03/2010, TANDTC đã có Quyết định giám đốc thẩm số 09/2010/DS –GĐT, theo đó Tòa đã nhận thấy những hành vi sai phạm trong quá trình xét xử và kết luận luận bản án của hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm cấp thành phố và cấp tỉnh Thái Nguyên và quyết định: “Hủy Quyết định Giám đốc thẩm, số 215/2006/DS-GĐT ngày 19/9/2006 của Tòa Dân sự TANDTC và hủy bản án dân sự phúc thẩm số 93/2005/DSPT ngày 23/09/2005 của TAND tỉnh Thái Nguyên, Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2005 DSST ngày 23/06/2005 của TAND TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên… để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật”.
Sau khi có quyết định này, các cấp TA TP Thái Nguyên tiến hành xét xử lại nhưng vẫn “theo vết xe đổ” của các lần xét xử trước, cơ bản không làm thay đổi bản chất sự việc. Điều này làm cho những người đi tìm công lý hết sức bức xúc và tiếp tục kháng cáo lên TANDTC. Ngày 2/5/2012, Tòa Phúc thẩm TANDTC sau khi xét xử đã đã ra bản án số 74/2012/DS-PT, một lần nữa tuyên hủy bản án sơ thẩm “xử lại” của TAND tỉnh Thái Nguyên.
Những sai phạm có hệ thống của các cấp tòa án tỉnh Thái Nguyên là vi phạm thời hiệu khởi kiện thừa kế theo quy định của pháp luật trong khi cụ Trương Văn Nghế chết ngày 29/06/2994 thì phải đến ngày 29/06/2004 mới tròn 10 năm. Ngày 12/05/2004, các đồng bị đơn mới có đơn đến UBND TP Thái Nguyên và Phòng TN&MT đề nghị các cấp có thẩm quyền dừng việc cấp bìa đỏ cho anh Khải và chị Hoàn để bảo vệ quyền thừa kế đang bị xâm phạm của mình, tính ra là 9 năm 10 tháng 13 ngày, như vậy rõ ràng là chưa hết thời hạn theo luật định. Vậy tại sao toà án lại bác đơn “yêu cầu khởi kiện” của các đồng bị đơn nêu trên?. Phải chăng Toà quên hay cố tình “phớt” luật?.
Trái lại, hãy xem thời hiệu khởi kiện của anh Khải, chính trong bản án sơ thẩm ghi rõ: “Theo đơn của anh Khải đề ngày 24/11/2004..., anh Khải yêu cầu khởi kiện yêu cầu được sử dụng mảnh đất ông bà cho...”, nếu chiểu theo luật kể từ thời điểm mở thừa kế là 10 năm, thì anh Khải khởi kiện khi đã là 10 năm 4 tháng 20 ngày. Quá “đát” rõ ràng vậy mà Toà không những không bác đơn lại còn thụ lý và xử cho anh ta thắng kiện. Không hiểu sao lại có sự tréo ngoe và bất bình thường đến vậy?.
Đấy là chưa kể đến việc anh ta đã sửa cả ngày chết của ông mình. Cụ Nghế chết ngày 29/06/1994 ai cũng biết và còn có giấy chứng tử hẳn hoi, vậy nhưng Khải lại có giấy ghi ngày chết của cụ Nghế là tháng 5/1994, lệch hẳn một tháng theo dương lịch để “hợp thức hoá” thời hiệu thừa kế nhưng cũng được toà chấp thuận một cách kỳ lạ. Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án phúc thẩm còn bỏ sót các đối tượng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không đưa vào tố tụng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Đó là những sai phạm tố tụng không thể chấp nhận được để Tòa tối cao phải tuyên hủy các bản án trái pháp luật của các cấp tòa Thái Nguyên. Điều đáng lo ngại là tòa “sai phạm đi, sai phạm lại”, không những không có các động thái đền bù thiệt hại cho các bị đơn khi mà mình tuyên án sai gây hậu tài sản là di sản thừa kế bị bán đi, mà tòa án tỉnh Thái Nguyên còn tìm cách đẩy quả bóng trách nhiệm về cho chính phía các “nạn nhân” của mình.
"Lờ" trách nhiệm bồi hoàn...
Như đã nói, TANDTC ngày 2/5/2012 đã ra quyết định huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 03/2011/DS –ST ngày 5/12/2012 của TAND tỉnh Thái Nguyên; đồng thời đình chỉ vụ án, xoá tên vụ án trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện cùng tài liệu chứng cứ kèm theo nếu đương sự có yêu cầu. Các đương sự trong vụ án này đã yêu cầu TAND Thái Nguyên xem xét trả khối tài sản tuyên sai về nguyên trạng ban đầu do lỗi của Tòa là một yêu cầu chính đáng, nhất là khi Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước có hiệu lực. Nhưng TAND tỉnh Thái Nguyên mãi vẫn vòng vo không giải quyết vụ việc.
Cụ thể, đơn khiếu nại đầu tiên được gửi đi vào ngày 29/8/2012 nhưng không hiểu do sự cố gì mà hơn nửa năm trôi qua, các đương sự vẫn không nhận được phản hồi của TAND tỉnh Thái Nguyên. Sau 194 ngày không nhận được quyết định trả lời khiếu nại, ngày 13/3/2013, các đương sự lại viết đơn khiếu nại lần hai đến ông Nguyễn Thế Đề - Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên. 68 ngày sau họ mới nhận được Công văn trả lời số 166/CV-TA nhưng không nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo điều 38 Luật khiếu nại tố cáo quy định.
Như vậy TAND tỉnh Thái Nguyên đã vi phạm quy định về thời gian giải đáp khiếu nại lần đầu theo Điều 136 mục 1 của Luật Khiếu nại tố cáo, không tuân thủ về hình thức điều 37 luật KNTC “ Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn vản và gửi quyết định này cho người khiếu nại” .
Không chỉ vậy, theo công văn trả lời số 106/CV-TA ngày 15/3/2013 của Chánh án Nguyền Thế Đề không những thể hiện cái sai của TAND tỉnh Thái Nguyên mà công văn này còn “bẻ ghi” phán quyết của TANDTC trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 2/5/2012. Câu hỏi đặt ra là quyết định của TANDTC đúng hay công văn của ông Chánh án đúng?
Hài hước hơn, trong công văn trả lời, ông Nguyễn Thế Đề khẳng định hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm phán xét không sai và chỉ xác định quyền sở hữu tài sản chứ không chia di sản và điều này ông Đề cho là hợp tình hợp lý không đi trái với phán quyết của TANDTC. Tòa xử sai, di sản thừa kế đã bán, người mua đã được cấp sổ đỏ… phải chăng sợ đền bù, sợ trách nhiệm mà TAND tỉnh Thái Nguyên cố tình hiểu sai luật và sai vấn đề?.
Mặc dù bản án phúc thẩm của TANDTC đã có hiệu lực hơn một năm nhưng việc thi hành công lý của TAND tỉnh Thái Nguyên như một vòng tròn luẩn quẩn, không chú trọng giải quyết hậu quả việc xử sai của mình mà còn có thái độ không nghiêm túc, trốn tránh trách nhiệm của người nắm cán cân công lý.
Đề nghị TAND tỉnh Thái Nguyên sớm giải quyết dứt điểm vụ việc này để người dân còn tin vào tòa án là nơi để công lý được thực thi một cách công bằng, đúng pháp luật. PLVN sẽ tiếp tục trở lại câu chuyện hy hữu này ở các số báo sau.
Ngọc Hà - Văn Hùng