Tuy Bộ luật Tố tụng Hình sự có một chương quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội, song nhìn chung chưa toàn diện, đầy đủ, đặc biệt trong quá trình thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế.
Xu hướng tội phạm đang trẻ hóa
Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 2 cho thấy: tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng, chiếm 15-18%. Hàng năm các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ, truy tố hơn 115 nghìn người, trong đó có 16-18 nghìn trẻ vị thành niên...
“Với diễn biến như vậy chỉ sau 5-10 năm nữa đất nước chúng ta sẽ có gần 1 triệu người có tiền án tiền sự, trong đó có 200.000 người dưới 30 tuổi” – Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo lắng nói.
Dư luận cho rằng hình phạt với Lê Văn Luyện chưa đủ sức răn đe. |
Viện Khoa học xét xử (TANDTC) nhận định, tội phạm do người thành niên thực hiện vẫn có chiều hướng gia tăng, cơ cấu, tổ chức, tính chất tội phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Có không ít trường hợp đã bị Tòa án xét xử, áp dụng mức phạt nghiêm khắc nhưng tác dụng phòng ngừa, cảnh báo chưa cao, tỷ lệ người chưa thành niên tái phạm còn nhiều.
Đừng để trẻ sống với mặc cảm
Người chưa thành niên là những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có khả năng tự lập hoàn toàn trong các quan hệ xã hội nên khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi của họ còn có phần bị hạn chế, dễ bị tác động từ các điều kiện bên ngoài và cũng dễ bị kích động.
Nếu phạm tội, phần lớn các em có tâm lý nặng nề, mặc cảm, tự ti, bi quan, chán nản, nhiều lúc tuyệt vọng, có thái độ thờ ơ, bất cần, liều lĩnh. Những đặc điểm ấy đã gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, cải tạo người chưa thành niên.
Trong khi đó, có một thực tế là đội ngũ thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên đều không phải là những cán bộ chuyên trách để điều tra, truy tố với riêng loại đối tượng người chưa thành niên. Họ cũng chưa qua một khóa đào tạo nào về tâm sinh lý, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên hoặc có hiểu biết thì rất hạn chế. Bởi thế, không ít trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên không phân biệt sự khác nhau về thủ tục tố tụng giữa vụ án người chưa thành niên phạm tội và vụ án người đã thành niên thực hiện.
Thậm chí có người còn cho rằng các quy định trên chỉ là hình thức, việc giải quyết 2 loại án này không có gì là khác biệt.
Ở một khía cạnh khác, như đã nói ở trên, tuy Bộ luật Tố tụng Hình sự có một chương quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội, song nhìn chung chưa toàn diện, đầy đủ, đặc biệt trong quá trình thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế.
Chẳng hạn, chỉ quy định đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên mà chưa có quy định thủ tục tố tụng áp dụng đối với người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên, nhất là gần đây tình trạng trẻ em bị lợi dụng, xâm hại, lạm dụng, bóc lột đang gia tăng nhanh chóng.
Không chỉ có những thiếu sót trong hệ thống các quy phạm pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật hiện hành có nhiều tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là những quy định có tính ưu tiên đối với người chưa thành niên. Một điểm đáng lưu ý là thực trạng bảo vệ quyền riêng tư của người chưa thành niên, việc xét xử công khai ngay cả đối với những vụ án bị cáo và người bị hại đều là trẻ chưa thành niên.
Không những thế, việc xét xử lưu động các vụ án hình sự liên quan đến người thành niên đang được xem như là một cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng cần phải được nhìn nhận lại, bởi vô hình chung còn phản tác dụng, gây tác động về mặt tâm lý, khiến cả bị cáo lẫn bị hại là người chưa thành niên thêm mặc cảm, tự ti.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ, việc điều tra các loại án liên quan đến người chưa thành niên còn nhiều vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, mang tính hình thức, chưa vận dụng triệt để nguyên tắc chung hướng dẫn cho các hành động có liên hệ tới người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Có không ít trường hợp, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có địa chỉ cư trú rõ ràng, có sự bảo lãnh của gia đình, cha mẹ, người thân… nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, không cho người chưa thanh niên phạm tội tại ngoại điều tra.
Do đó, để đảm bảo sự thống nhất về mặt chính sách đối với người chưa thành niên đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản pháp luật khác, sự ra đời của tòa án chuyên trách về người chưa thành niên là vô cùng cần thiết. Đây cũng là khuyến nghị của UNICEF vì việc xây dựng một tòa án chuyên trách để xét xử các việc liên quan đến người chưa thành niên sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu của người chưa thành niên mà còn là biện pháp thiết thực nhằm thực hiện cam kết quốc tế liên quan đến bảo vệ trẻ em trong hệ thống tư pháp.
Hoàng Thư