Tài sản tranh chấp 24 năm liên tục trong tình trạng chờ Tòa án xét xử đã bị UBND quận Tân Bình âm thầm cấp sổ đỏ cho bên bị kiện. Nhiều tài liệu cho thấy có sự “giúp sức” của chính quyền trong sự việc sai trái này.
24 năm chờ xử
Năm 1984, theo Quyết định thuận tình ly hôn số 22-TTLH ngày 22/3/1984, ông Lê Ân (ở 414/27 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 10, TP. Vũng Tàu) ly hôn với bà Lê Ngọc Lan (408 Cách mạng tháng Tám (CMTT), quận Tân Bình. Quyết định này giao phần lớn tài sản cho bà Lan, trong đó có căn nhà 408 CMTT. Không đồng ý, vì căn nhà là tài sản của ông bị chia hết cho bà Lan, ông Ân khiếu nại và ngày 24/7/1988, TAND TP HCM ra Kháng nghị số 182 kháng nghị Quyết định thuận tình ly hôn số 22 nói trên để UBTP TAND TP HCM xét xử lại theo trình tự giám đốc.
Kháng nghị nêu rõ căn nhà chưa có giấy tờ sở hữu hợp lệ nhưng quyết định sơ thẩm chưa xác minh cụ thể đã công nhận cho bà Lan sở hữu là chưa có cơ sở pháp lý. Tiếp theo, Bản án Giám đốc thẩm số 08/LHGĐ ngày 30/9/1988 của TAND TP HCM đã chấp nhận Kháng nghị nói trên, hủy phần giải quyết về tài sản của Quyết định thuận tình ly hôn số 22, giao toàn bộ hồ sơ vụ kiện cho TAND quận Tân Bình giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm từ giai đoạn điều tra.
Sau nhiều lần ông Ân yêu cầu, TAND quận Tân Bình thụ lý nhưng kéo dài không mở phiên tòa xét xử mà chuyển vụ kiện lên TAND TP HCM vì cho rằng có yếu tố người nước ngoài khi bà Lan ủy quyền cho ông Lê Đa-ni-ên làm đại diện trước tòa. Sau khi thụ lý, TAND TP HCM ra Quyết định số 1791/QĐĐC-HNST ngày 20/8/2004 đình chỉ vụ án, lí do triệu tập nhiều lần, nhưng ông Võ Ngọc Chuyên (đại diện ủy quyền của ông Lê Ân) vắng mặt.
Trước đó, năm 2000, không may ông Lê Ân bị bắt vì liên quan đến đến vụ án ngân hàng VCSB do ông làm Chủ tịch HĐQT. Năm 2005, ông Lê Ân được tự do và ngày 25/10/2006, ông Lê Ân có đơn khiếu nại yêu cầu TAND TP HCM tiếp tục xét xử việc phân chia tài sản sau ly hôn theo án Giám đốc thẩm số 08/LHGĐ ngày 30/9/1988 của TAND TP HCM. TAND TP HCM có Văn bản số 52/TLKH ngày 12/3/2007, hướng dẫn ông Lê Ân khởi kiện lần hai.
Ngày 28/5/2007, ông Lê Ân nộp án phí. Sau khi Tòa án thụ lí, ông phát hiện ông Lê Đa-ni-ên không phải là Việt kiều định cư ở nước ngoài, tức là không có yếu tố nước nào nào cả. Vì thế, TAND TP HCM lại chuyển trả hồ sơ quay về TAND quận Tân Bình xét xử sơ thẩm. Một bất ngờ khác, trước khi xét xử, Tòa án lại yêu cầu ông sao lục hồ sơ nhà đất để nộp cho Tòa án thì ông ngã ngửa khi phát hiện nhà đất lúc này đã thuộc về người vợ cũ, do UBND quận Tân Bình căn cứ vào những giấy tờ sai trái để cấp sổ đỏ cho bà năm 2005. Cay đắng hơn, mảnh đất của ông được cho riêng sau khi ly hôn rộng 140m2, nằm sau lưng ngôi nhà 408 CMTT cũng bị cấp cho bà Lan.
Sự thật bị phơi bày đã khiến chính cơ quan cấp sổ đỏ đề nghị với Tòa án tạm dừng việc xét xử để chờ cơ quan này giải quyết và vụ kiện “lịch sử” của ông Lê Ân thêm một lần nữa bị tạm đình chỉ bằng Quyết định số 06 năm 2010 của TAND quận Tân Bình.
Có thể nói, vụ kiện kéo dài 24 năm đã kéo theo những hệ lụy hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ông Ân là do TAND quận Tân Bình vi phạm thủ tục tố tụng khi không xác minh nhân thân của ông Lê Đa-ni-ên, vội chuyển lên Tòa án cấp trên xét xử. Vì không đúng thẩm quyền nên vụ kiện cứ thế bị đẩy đi, đẩy lại giữa các tòa, và trong thời gian bị “đẩy” đó, tài sản tranh chấp đã “lọt” vào tay bà Lan khiến quyền lợi của ông Ân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sai nhưng không sửa
Cho đến thời điểm này, tài sản tranh chấp là căn nhà 408 CMTT chưa hề được cơ quan có thẩm quyền nào phán quyết thuộc về bà Lan hay ông Ân. Nhưng không hiểu sao năm 2005 UBND quận Tân Bình đã cấp sổ đỏ mang số hiệu AB 536463 cho bà Lan. Không chỉ thế, 140m2 nằm ngay sau lưng căn nhà 408 CMTT là đất của riêng ông Ân cũng bị nhập luôn vào sổ đỏ của bà Lan.
Cất công tìm hiểu, ông Ân phát hiện ra sự cố ý làm trái của UBND quận Tân Bình trong việc cấp sổ đỏ cho bà Lan. Đó là ngày 6/4/1991, Phòng Xây dựng quận Tân Bình lập bản vẽ hiện trạng căn nhà 408 CMTT, đã vẽ mảnh đất 140m2 đất của riêng ông thành sân của ngôi nhà 408 CMTT.
Năm 1993 Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình đăng thông báo trên báo Sài gòn Giải phóng nội dung: “Bà Lan xin hợp thức hóa chủ quyền căn nhà 408 CMT8 có ai tranh chấp khiếu nại thì báo cho biết trước khi Phòng Quản lý đô thị trình UBND quận xem xét”. Ngay lập tức, ông Ân có đơn khiếu nại gửi tới UBND quận Tân Bình.
Cuối cùng, Phòng Quản lý đô thị đã có văn bản số 863 ngày 27/11/1993 gửi bà Lan “đề nghị bà Lan liên hệ với ông Ân để giải quyết xong việc tranh chấp”. Nhưng thực tế, từ thời điểm đó cho đến nay, tranh chấp chưa được giải quyết xong, vậy mà ngày 18/4/2005 UBND quận Tân Bình cấp sổ đỏ cho bà Lan. Đây là một khuất tất mà cho đến nay UBND quận Tân Bình chưa có giải thích nào.
Ngoài ra, tại Tờ đăng ký nhà đất ngày 3/8/1999 bà Lan khai nhà đất “không tranh chấp” và được UBND phường xác nhận. Nội dung khai không đúng sự thật này cũng được UBND quận làm căn cứ cấp sổ đỏ. Phải chăng đã có sự “giúp sức” của các cấp để bà Lan hoàn tất được việc cấp sổ đỏ sai trái của mình ?
Về mảnh đất 140m2 đất của riêng ông Ân, tài liệu còn lưu giữ cho thấy nguồn gốc đất hết sức rõ ràng nhưng bị biến thành tài sản của bà Lan đến khó tin. Mảnh đất này ông được bà Nguyễn Thị Khâm cho vào năm 1987 sau khi thấy cháu mình phải giao nhà 408 CMTT một cách oan uổng cho bà Lan theo Quyết định thuận tình ly hôn.
Bà Khâm đã lập giấy ủy quyền cho ông toàn quyền sử dụng ngay tại UBND phường 5, quận Tân Bình vào ngày 14/4/1988, có xác nhận của Phó chủ tịch UBND phường này. Đồng thời, Ban Quản lý Ruộng đất TP Hồ Chí Minh lập bản đồ hiện trạng để xác định mốc giới lô đất theo yêu cầu của UBND phường 5 và ông Ân. Thế nhưng, Phòng xây dựng UBND quận Tân Bình đã vẽ biến nó thành sân của căn nhà 408 CMTT. “Bà Lan đã đục tường cửa hậu căn nhà 408 CMTT ra mảnh đất của riêng tôi và thuê phòng Xây dựng quận ghi là sân Ciment”, ông Ân cho biết.
Điều khiến ông Ân bức xúc là ông đã có rất nhiều đơn đề nghị thu hồi sổ đỏ đã cấp sai nhưng UBND quận Tân Bình không hề trả lời, giải quyết. Ngày 29/4/2010 Phòng TN-MT quận Tân đã đề nghị ông bổ sung hồ sơ nhưng rồi rơi vào im lặng dù ông đã bổ sung đầy đủ theo yêu cầu. “Tôi biết người ký quyết định cấp sổ đỏ lúc ấy là bà Thái Thị Dư, chủ tịch UBND quận, nay đã về hưu nên có thể họ thấy sai nhưng không chịu nhận trách nhiệm thay cho người tiền nhiệm. Chắc chắn đã có sự giúp đỡ của cán bộ thì bà Lan mới làm được sổ đỏ ngang trái như thế”, ông Ân bức xúc nói.
Thông tin mới nhất được biết, chiều 17/5/2012, ông Ân trực tiếp nộp đơn cho UBND quận Tân Bình yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc, cán bộ thụ lý đơn của ông hứa sẽ trình lãnh đạo giải quyết sớm. Dư luận đang chờ sự trả lời từ UBND quận Tân Bình đối với vụ việc sai trái nghiêm trọng này.
Luật sư Nguyễn Thị Phượng, Cty Luật Đại Việt: UBND quận Tân Bình vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại: Theo qui định của Nghị định 88/2009 quy định về việc đính chính và thu hồi đối với loại Giấy chứng nhận đã cấp, nếu công dân phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định. Khi đó, Thanh tra cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra đối với Giấy chứng nhận do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp huyện. Nếu qua thẩm tra có kết luận là Giấy chứng nhận cấp trái pháp luật thì cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp. Qui định bắt buộc là vậy nhưng UBND quận Tân Bình chưa có những động thái này. Luật Khiếu nại cũng qui định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Rõ ràng, UBND quận Tân Bình đã vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại, khiến quyền lợi của công dân bị ảnh hưởng. Việc UBND quận Tân Bình kéo dài không giải quyết khiến vụ kiện tại Tòa cũng tạm dừng theo, ông Ân chỉ có cách kiện vụ án hành chính thì mới bảo vệ được quyền lợi. |
Thanh Quý