Đặc trưng của tòa án là hoạt động xét xử và điểm đến, mục đích cuối cùng của hoạt động này là đưa ra những phán quyết trong từng vụ án cụ thể. Sức mạnh quyền năng của tòa án thể hiện ở những phán quyết này, do đó phán quyết phải đảm bảo các tiêu chí “thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng” (lời Chánh án Nguyễn Hòa Bình).
Nhiệm vụ khó khăn nhất của thẩm phán là đưa ra phán quyết và phải chịu trách nhiệm về phán quyết đó. Xét xử chỉ là khâu cuối trong một quá trình tố tụng, lệ thuộc vào hồ sơ, tài liệu, chứng cứ trước đó, vì vậy, thật dễ hiểu là các vụ án oan sai có xuất phát điểm từ khâu điều tra, truy tố, còn phán quyết của tòa án dựa vào “đường đi” có sẵn.
Ra một phán quyết sai, lỗi của thẩm phán là tin tưởng “án tại hồ sơ”, không coi trọng tranh tụng và lời kêu oan trước tòa của bị cáo, vô hiệu lý lẽ bào chữa của luật sư, đưa ra phán xét chủ quan và dẫn tới phán quyết sai lầm. Ở đây còn có yếu tố tâm lý “giữ an toàn” cho bản thân không dám lật ngược lại vụ án. Nhưng, những lỗi này cũng đủ làm cho tòa án không trở thành biểu tượng của công lý được.
Một vụ án nhỏ như cướp bánh mỳ mà 2 bị cáo vị thành niên nhận mức án 18 tháng tù và do phản ứng của dư luận mà đích thân Chánh án TANDTC chỉ đạo xem xét lại việc này. Rõ ràng việc xét xử này có vấn đề trong phán quyết, “nặng hoặc nhẹ” đều không phải công minh, dư luận phản ứng tức không “tâm phục, khẩu phục” và đương nhiên, phán quyết này không thấu tình, đạt lý. Dẫu sao, chỉ riêng động thái này của ông Chánh án, dư luận có thể tin được rằng sự công minh và công bằng sẽ được thiết lập.
Mặt khác, tính độc lập của tòa án là khá cao. Vụ án Thượng tá công an ở Giá Rai (Bạc Liêu) dùng súng bắn vào người thanh niên đã bị còng tay và sau đó anh này bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, hai cấp tòa của tỉnh này đều tuyên bị cáo vô tội, đề nghị truy tố đối với Thượng tá công an vì hành vi bắn người. Đủ thấy, pháp luật đã được tòa án thượng tôn cho dù những cơ quan tố tụng trước đó muốn “xí xóa” hành vi bắn người vô lối của sỹ quan công an bằng cách khép người thanh niên kia vào tội, một cách hành xử lạm dụng quyền lực không phải hiếm gặp trong đời sống pháp luật hiện nay.
Những dẫn chứng trên đây thuộc lĩnh vực hình sự, tức là những chứng cứ đã khá rõ ràng và khung hình phạt cũng cụ thể. Khó khăn hơn nhiều khi đưa ra phán quyết ở các phiên tòa hành chính, kinh tế, đặc biệt là dân sự, dưới các áp lực khác nhau, sự chi phối khác nhau thì để đảm bảo “thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng” đòi hỏi tài năng và phẩm chất và cả bản lĩnh rất cao ở mỗi thẩm phán mới có thể đáp ứng được.
Tòa án là biểu tượng của công lý, đó không chỉ là kỳ vọng mà còn là khát khao của xã hội chúng ta!