Ông Biết “nổi tiếng” với chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp nơi để bán gốm, để níu giữ nghề truyền thống của cha ông. Ông kể, gia tộc Nguyễn Viết của ông đã 5 - 7 đời làm gốm nên gắn bó với gốm từ khi lọt lòng. Khi trưởng thành, ông không phải trực tiếp làm gốm mà là... chở gốm đi bán.
Thuở ấy, hàng gia dụng bằng nhựa, sành, sứ... còn hiếm và xa xỉ nên đồ gốm bán rất chạy. Mỗi chuyến đi của ông không dưới 50 cây số, vậy mà ông chỉ đi bằng xe đạp. Nhiều con đường làng gập ghềnh ở Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Đại Lộc (Quảng Nam) và cả thành phố Đà Nẵng... đều in dấu bánh xe ông, văng vẳng tiếng rao của ông.
Bây giờ, tuổi đã 80, sức khỏe giảm sút nên mỗi tuần ông Biết cùng chiếc xe đạp già nua cũ kỹ chỉ làm một chuyến. “Rứa cho đỡ nhớ nghề, nhớ bạn hàng đã bao năm chung thủy với mình” - ông bảo vậy. Ông chỉ bỏ hàng ở các chợ ở quận Ngũ Hành Sơn, chợ Hàn, chợ Cồn (Đà Nẵng). Số gốm ông chở cũng tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Trước đây ông chở 70-80 ký một chuyến là chuyện thường, bây giờ, mỗi chuyến chỉ chở chừng 50 ký.
Trong số 9 người con của ông, không ai theo nghề vất vả, dãi nắng dầm mưa của ông. Chỉ có duy nhất người con rể - anh Trần Vân, năm nay 56 tuổi, nối nghiệp ông từ 3-4 năm nay. Để khuyến khích anh Vân, ông đã nhường mối hàng ở các huyện cho con rể. Cũng như ông, anh Vân cũng đem gốm đến các chợ quê, chợ phố bằng chiếc xe đạp cà tàng. Hỏi sao không đi xe gắn máy cho đỡ vất vả, cả hai cha con ông đều trả lời: “Hàng này chở xe máy dễ vỡ, với lại dùng xe đạp thì... đỡ tốn tiền xăng”.
Dù đi xe đạp nhưng “tai nạn nghề nghiệp” vẫn thường xảy ra với ông. Đôi khi xe hỏng, phải dắt bộ hàng cây số, những hôm ngã xe, bể gốm, coi như lỗ vốn. Vợ ông năm nay 75 tuổi, cũng gắn bó với gốm. Hiện bà bán đồ gốm ở chợ Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. Trước sân nhà ông lúc nào cũng lỉnh kỉnh heo đất, nồi, trã, hũ, cối, chày... bằng gốm như luôn sẵn sàng cho những chuyến đi của ông.
Dù công việc nặng nhọc, vất vả, tuổi lại cao, song dường như ông Biết không tỏ ra mệt mỏi hay có ý định bỏ nghề. Mấy chục năm rong ruổi cùng gốm, ông thương nghề không nỡ bỏ. Râu tóc bạc phơ, công việc nhọc nhằn nhưng nụ cười lúc nào cũng thường trực. Rảnh rỗi, ông làm thơ về Tổ quốc, về nghề gốm, làng gốm của mình. Khi có ai hỏi thăm về công việc, về nghề gốm truyền đời ở quê mình, ông lại phấn chấn hẳn lên. Lúc cao hứng, ông lại ngâm nga: “Nghệ nhân không nghĩ hơn thua/ Cùng nhau cố gắng thi đua ra lò”...