[links()]Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra Công an huyện Long Phú bỏ sót nhiều tang vật, chứng cứ, nhân chứng, thậm chí phớt lờ kết quả giám định của Bộ Công an mà ra kết luận điều tra. VKSND, theo đó, ra cáo trạng buộc bị can nhận tội, đẩy Tòa án vào thế phải tuyên, gây phẫn nộ trong dư luận.
Bị cáo Nhựt - Đức trong phiên tòa ngày 4/2/2013 |
Những khuất tất cần điều tra làm rõ
Vụ án được Thiếu tá, Phó trưởng Công an huyện Trần Đăng Muôn trực tiếp chỉ đạo điều tra – cũng là người trực tiếp chứng kiến cuộc gây rối trật tự công cộng do nhóm Thanh, Tuấn gây ra tại Trụ sở Công an xã như bài trước đã nêu.
Trong kết luận điều tra, xác định tỷ lệ thương tật 19% của Lý Hoài Thanh là do dao chém và vết bỏng do roi điện gây ra. Vết chém này theo kết luận điều tra ngày 6/4/2012, do Đức cầm cây dao dài khoảng 60 cm từ trong nhà chạy ra chém Thanh. Kết luận điều tra bổ sung ngày 22/11/2012 thì ghi: Đức cầm cây dao tự chế, mũi dao dạt xéo, lưỡi bằng kim loại dài khoảng 50 cm, có cán khoảng 30 cm. Cây dao là hung khí gây án, là tang vật vụ án nhưng điều tra viên không thu giữ được, nên kết luận như sau: “Về hung khí gây án, mặc dù không thu giữ được nhưng cơ quan điều tra đã tiến hành cho bị hại và người làm chứng mô tả, nhận dạng vật tương tự, kết quả là phù hợp”.
Theo điều tra của PLVN, nhân chứng mà cơ quan điều tra triệu tập để mô tả hung khí này không ai ngoài những người tham gia cuộc ẩu đả gây rối trật tự công cộng trong băng nhóm của Thanh. Còn trong cáo trạng ngày 4/5/2012, Đức cầm con dao dài khoảng 70 cm; cáo trạng bổ sung ngày 26/11/2012, con dao Đức chém Thanh dài khoảng 50 cm, vậy con dao hung khí gây án dài bao nhiêu? Vết chém trên người Thanh do con dao nào gây ra? Bởi theo kết luận điều tra và cáo trạng thì có đến 4 con dao khác nhau chém mà chỉ gây ra một vết thương? Hay Đức là “Thiên lý phi đao” chém một nhát, quăng một con dao mà chỉ gây ra một vết thương?
Ông Nhựt là Phó Ban an ninh ấp nên được Công an xã trang bị cho Ban an ninh ấp một cây roi điện, nhà ông Nhựt cũng là trụ sở an ninh ấp nên cây roi điện này được để trong nhà nhưng ông Nhựt chưa một lần sử dụng nên cây roi điện bị hư. Ông Nhựt báo Công an xã, Công an xã không thu hồi cây roi cũ về mà lại cấp thêm cho ông Nhựt một cây mới.
Trước thời điểm xảy ra vụ án, trong ấp có một cuộc xô xát nhỏ, một an ninh viên trong ấp mượn cây roi điện mới của ông Nhựt để làm công cụ hỗ trợ khi vãn hồi trật tự vụ xô xát này nhưng cây roi này cũng đã bị hư (nhân chứng này đã ra làm chứng trước Tòa rằng cây roi điện bật không lên pin). Sau đó (trước khi vụ án xảy ra), ông Nhựt mang cả hai cây roi điện này ra thợ sửa điện tử tại chợ để nhờ sửa nhưng ông thợ này (nhân chứng này cũng ra làm chứng trước tòa) không sửa được do sự cố của hai cây roi “quá nặng”.
Khi điều tra vụ án, Công an thu giữ hai cây roi điện tại nhà ông Nhựt rồi trưng cầu giám định. Ngày 3/2/2012, Phân viện Khoa học Hình sự-Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm-Bộ Công an ra kết luận giám định hai cây roi điện như sau: “Chiếc gậy điện số hiệu 111-FEIMAOTUIZHUIZONGBAOBIAO hư hỏng do nguyên nhân: mất một cực phóng điện, pin đã hết. Chiếc dùi cui điện Titan số hiệu 08122219 hư hỏng do nguyên nhân: rỉ sét và đứt dân dẫn điện, pin đã hết.”.
Luật sư của bị cáo nói trước Tòa: “Quá trình điều tra Công an huyện Long Phú không xác định được thời điểm hai cây roi điện do ông Nhựt sử dụng có hư hay không? Hư tại thời điểm nào? Trước hay sau vụ án? Kết luận và cáo trạng buộc vết bỏng trên người Thanh do hai cây roi điện này gây ra thì oan uổng cho hai công cụ hỗ trợ này quá”.
Tuyên án theo chỉ đạo hay một áp lực nào?
Với kết luận điều tra và cáo trạng không sát diễn biến vụ án nên khi đưa ra xét xử, cơ quan tố tụng đẩy Tòa án vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Tòa án xét xử lần một ngày 16/1/2012, hoãn phiên tòa do vắng mặt nhân chứng Nguyễn Khánh Ý, Lê Hoàng Em, Lê Thanh Phong.
Tòa xét xử lần hai ngày 25/7/2012, áp giải nhân chứng Nguyễn Khánh Ý ra tòa. Kết quả, Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung do lời khai nhân chứng Nguyễn Khánh Ý mâu thuẫn với bị hại và các nhân chứng khác. Tại phiên tòa, Nguyễn Khánh Ý khai cơ quan điều tra tiến hành điều tra không có giấy mời và lấy lời khai tại quán cà phê, sau đó đưa Nguyễn Khánh Ý ký vào bản lời khai nói là do sai sót nên phải ký lại biên bản lời khai mới.
Tòa xét xử lần ba ngày 8/1/2013, hoãn vì vắng mặt nhân chứng Thạch Tinh. Nhân chứng này đúng ra là người có nghĩa vụ liên quan, là người ngồi trên xe Tuấn chở và là người đứng chặn cửa nhà ông Nhựt khi vụ ẩu đã mới xảy ra mà bài trước đã nêu. Theo điều tra của PLVN thì Thạch Tinh hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương. Cũng theo nguồn tin riêng của PLVN, trong vụ ẩu đả này có một quân nhân đang tại ngũ, nghỉ phép về nhà tham gia vào. Sau khi vụ án khởi tố, quân nhân này đã trở lại đơn vị nhưng điều tra viên không nhắc đến.
Tòa xét xử lần bốn ngày 22/1/2013, hoãn phiên tòa do vắng mặt bị hại Lý Hoài Thanh, Lý Tấn Phát và người có nghĩa vụ liên quan Lý Thanh Tuấn, Lê Thanh Danh, người làm chứng Lý Hữu Thọ, Thạch Tín (đúng tên là Thạch Tinh nhưng trong kết luận điều tra và cáo trạng lúc thì Thạch Tín, lúc thì Thạch Tin), luật sư của bị hại Bạch Sỹ Chất.
Tòa xét xử lần năm vào ngày 4/2/2013, hoãn phiên tòa, điều tra bổ sung các vấn đề sau: Xác định vết bỏng 3% ở lưng, 12% ở vai của Thanh do vật gì gây nên và ai gây ra thương tích? Làm rõ mâu thuẫn lời khai giữa Phát, Thanh và người làm chứng Nguyễn Khánh Ý, Lý Hữu Thọ về hành vi Đức chém gây thương tích cho Phát; làm rõ mâu thuẫn về hành vi của bị cáo Nhựt giữa cáo trạng và kết luận điều tra bổ sung; làm rõ ai là chủ sở hữu hai cây roi điện phải đưa vào tham gia tố tụng; xác định trình tự thu giữ vật chứng liên quan đến vụ án bao gồm áo thun màu xanh dương của Thanh, áo ca rô trắng đỏ của Lý Tấn Phát, dao tự chế (mã tấu), ống tuýp sắt (ty phuộc xe trước); miểng lu, miểng kiếng và côn…
Phiên tòa này làm nức lòng người dân dự khán hôm đó vì những lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung là những vấn đề dư luận quan tâm nhất. Thế nhưng, không hiểu sao chưa hết thời hiệu điều tra bổ sung, Tòa án xét xử lần sáu ngày 12/3/2013, vắng mặt nhân chứng Thạch Tinh. Tòa chiếu theo bản ghi lời khai của Nguyễn Khánh Ý và Thạch Tinh kết án ông Trần Thanh Nhựt 24 tháng tù giam, Trần Hữu Đức 30 tháng tù giam và bồi thường thiệt hai 33 triệu (chia cho 2 người). Tóm lại, 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKS chỉ nhận 1 lần trả lại công an điều tra, còn 2 lần Viện trả lại Tòa án bằng văn bản.
Sau khi tòa án sơ thẩm tuyên, cha con ông Nhựt làm đơn kháng án. PLVN sẽ theo dõi và thông tin tiếp kỳ án có dấu hiệu oan sai và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng này.
Ngọc Long