Theo đơn tố cáo của bà Võ Thị Liễu (SN 1969, trú tại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong), ngày 30/11/2018, bà đã chuyển vào tài khoản bà N.T. H cùng địa chỉ trên số tiền 7 tỷ đồng để lấy lại 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà Liễu đã thế chấp theo biên bản ký ngày 15/12/2017, thời hạn thế chấp là 1 năm.
Nội dung biên bản thế chấp cho biết bà Liễu phải ra công chứng sang tên cho bà H để bà H mang tài sản thế chấp đó đi vay tiền ngân hàng hộ. Lãi suất bà Liễu phải trả hàng tháng là 1.8%.
Đến tháng thứ tư, bà H tăng lãi suất lên 2.5 % nên bà Liễu không thanh toán lãi nữa. “Tôi thấy không hợp lý nên tôi quyết định bán đất để chuộc lại, nhưng bà H không tạo điều kiện ký bán cho bên thứ 3”, bà Liễu cho biết
Bà H bắt bà Liễu chuộc một lúc 10 sổ đỏ ra và khi bà Liễu cực chẳng đã để trả đủ tiền vào tài khoản cho bà H thì cho biết phải trả thêm 2 tỷ đồng tiền lãi nữa mới trả hết số, còn không chỉ trả 5 sổ đỏ thôi. Bà Liễu tiếp tục thanh toán tiễn lãi theo cam kết 1.8% là 1.180.800.000 đồng, nhưng bà H cho rằng tiền lãi phải là 2 tỷ một trăm triệu đồng. Không đồng ý với cách tính lãi khủng khiếp của bà H, bà Liễu đã viết đơn tố cáo ra cơ quan công an.
Ngày 26/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã có công văn khẩn số 5492/UBND-BTCD gửi Giám đốc công an tỉnh sau khi nhận được đơn tố cáo của bà Liễu. Công văn nhấn mạnh “Giao Giám đốc công an tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc công dân nêu trên, xem xét, giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật”.
Đó là một vụ việc cho vay và ép lãi, tự ý nâng lãi suất trong rất nhiều vụ việc điển hình ở Bình Thuận. Một địa phương được coi là điểm nóng của tín dụng đen mà cơ quan công an đang truy tìm kẻ đầu sỏ. Đại tá Nguyễn Văn Nhiều, người phát ngôn Công an tỉnh Bình Thuận cho biết: “Đặc điểm dễ thấy nhất, là gần đây trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xuất hiện các nhóm đối tượng, từ các tỉnh phía Bắc đến tổ chức các hoạt động cho vay nặng lãi.
Đại tá Trần Văn Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận thừa nhận, tình hình tín dụng đen diễn ra phức tạp trên địa bàn trong thời gian qua. Các đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi đều có tiền án tiền sự, hoặc có quan hệ với đối tượng hình sự và ma túy, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Công an tỉnh đã rà soát và lên danh sách được 41 nhóm gồm 202 đối tượng có hoạt động này trên địa bàn tỉnh. Riêng thành phố Phan Thiết có 15 nhóm và 82 đối tượng. Đến nay, Công an tỉnh đã khởi tố 6 vụ với 10 bị can liên quan đến tín dụng đen với hành hành vi cố ý gây thương tích, bắt người trái pháp luật, hủy hoại tài sản. Xử phạt vi phạm hành chính 103 đối tượng, thu số tiền 204 triệu đồng về các hành vi kinh doanh không có giấy phép, trốn thuế, phát tờ rơi quảng cáo gây ảnh hưởng đến mỹ quan trật tự xã hội.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các vụ việc cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê đang gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đại tá Trần Văn Toản cũng thừa nhận rằng lực lượng công an vẫn chưa phát huy vai trò, trách nhiệm, chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp các giải pháp hữu hiệu toàn diện để đảm bảo công tác an ninh trật tự. Một số nơi, công tác lãnh đạo chỉ huy chưa sâu sát, chưa thường xuyên kiểm tra đôn đốc để triển khai. Trách nhiệm của một bộ phận chiến sĩ công an, chưa đáp ứng yêu cầu trước diễn biến phức tạp của tình hình mới.
Một chủ bán hàng ăn trên đường Lê Hồng Phong cho biết: “Buổi chiều nhóm thanh niên xăm trổ ngồi ăn uống ở nhà hàng bên cạnh, người vay nợ đến cầu xin chúng vì chưa có tiền trả lãi, nhiều người bị chúng đánh đập đã man, thậm chí có người nghèo con nhập viện chúng còn dọa “mày có muốn nhìn thấy con mày nữa không”. Ở đây hoạt động của chúng ngang nhiên khiến dân lành chúng tôi rất sợ hãi."