Bước ngoặt quan trọng
Tín chỉ carbon từ trồng rừng và lâm nghiệp bền vững là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Khi rừng được trồng hoặc quản lý một cách bền vững, chúng có khả năng hấp thụ và lưu trữ lượng lớn carbon dioxide (CO2) từ không khí, giúp giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển. Mỗi tấn CO2 được hấp thụ có thể được chuyển đổi thành một tín chỉ carbon, sau đó có thể được bán hoặc giao dịch trên các thị trường carbon quốc tế.
Năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho ngành lâm nghiệp Việt Nam khi lần đầu tiên nước ta thành công trong việc bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (tương đương với 10,3 triệu tấn CO2 với 95% đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải quốc gia (NDC) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với mức giá 5 USD/tấn, Việt Nam đã thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Đây là kết quả của thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) khu vực Bắc Trung Bộ, được ký kết vào ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Đến tháng 3/2024, số tiền 1.200 tỷ đồng từ khoản chi trả này đã được chuyển về Việt Nam. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ WB. Ước tính, số tiền này mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng tại 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, thông qua kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi.
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, số tiền từ việc bán tín chỉ carbon được chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Một phần tiền này cũng sẽ được phân bổ cho các nhóm hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Điều đáng chú ý trong dự án ERPA là người dân được chi trả theo cơ chế tương tự dịch vụ chi trả môi trường rừng. Nhờ vậy, nhiều người dân đã có thể trực tiếp hưởng lợi từ cơ chế mua bán tín chỉ carbon rừng và họ cũng nhận thức được số tiền đó đến từ đâu.
ERPA là minh chứng cho việc thương mại hóa carbon rừng được thực hiện hiệu quả sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề, bao gồm kinh tế địa phương, cải thiện sinh kế người dân, bảo tồn rừng, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ và trồng rừng.
Con người là giá trị cốt lõi
Trong hành trình phát triển lâm nghiệp bền vững, con người là yếu tố then chốt trong việc giữ gìn và bảo vệ rừng, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến rừng bị tàn phá. Ví dụ điển hình là trước đây, người dân sống gần rừng thường có thói quen phá rừng để lấy gỗ làm nhà hoặc đốt rừng làm nương rẫy, dẫn đến sự suy giảm đáng kể diện tích rừng. Mặc dù công tác tuyên truyền góp phần làm giảm tình trạng này nhưng việc phá rừng vẫn còn tồn tại.
Tình trạng người dân lấy gỗ từ rừng để làm nhà đã giảm đáng kể nhờ thay đổi nhận thức người dân. (Ảnh: Linh Chi) |
Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Sùng A Vàng - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò (Hòa Bình) cho biết, hiện nay tình trạng người dân lấy gỗ từ rừng để làm nhà dù không hoàn toàn chấm dứt nhưng đã giảm đáng kể nhờ nhận thức của người dân được nâng cao.
“Ngày xưa các cụ hay chặt cây lấy gỗ làm nhà, nhìn những nhà có từ xưa sẽ thấy 100% làm từ gỗ. Thời điểm này, có thể nhìn thấy những nhà mới xây toàn bộ không có gỗ, dù người dân sống ở rừng, rất khó khăn, nhưng họ vẫn mua bê tông, mang viên gạch từ mấy trăm cây số về đây để xây được cái nhà, vì bà con nhận thức được phá rừng gây ảnh hưởng đến tương lai của con cháu”, ông Sùng A Vàng cho hay.
Đồng thời, ông nhấn mạnh việc đã có vài trường hợp trong khu bảo tồn bị xử lý trước toà do sử dụng gỗ ở rừng đặc dụng làm nhà, phát nương trái phép nên bà con càng thấm thía, nhận thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ việc bán tín chỉ carbon rừng, nguồn thu nhập này có thể mang lại giá trị lớn hơn với người dân so với việc phá rừng, đánh đổi rừng để làm kinh tế. Khi rừng có thể mang lại thu nhập ổn định cho người dân, họ sẽ có động lực tự nguyện bảo vệ rừng và tín chỉ carbon đem đến những cơ hội mới.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này, trước hết, người dân cần hiểu rõ về tín chỉ carbon là gì, cơ chế hoạt động như thế nào. Trong khi đó, khái niệm tín chỉ carbon rừng vẫn còn rất mới mẻ và phức tạp đối với chính các nhà chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp… chứ chưa nói đến người dân.
Tiềm năng nhưng vô vàn thách thức
Mặc dù tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng là rất lớn, nhưng việc triển khai tín chỉ carbon rừng ở các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách cụ thể. Hệ thống pháp luật hiện tại đang dần được hoàn thiện về mặt pháp lý, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều thách thức cần phải giải quyết để thương mại hoá tín chỉ carbon.
Một văn bản pháp luật quan trọng là Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Gần đây nhất, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng tín chỉ carbon rừng như thế nào trên thực tiễn.
Bảo vệ rừng hiệu quả cần phải gắn liền lợi ích của người dân với rừng. (Ảnh: Linh Chi) |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hoàng - cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) nhận định, việc bán tín chỉ carbon rừng ra khỏi phạm vi biên giới là chưa thực hiện được do thiếu quy định pháp lý. Chỉ có duy nhất một dự án tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã bán được tín chỉ carbon rừng theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Các dự án khác đang thực hiện, như dự án LEAF ở Tây Nguyên và dự án Velux - WWF ở Quảng Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, kết quả của các dự án này sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia (NDC).
Việc chi trả carbon rừng tại Việt Nam hiện nay chỉ có dự án ERPA áp dụng cho rừng tự nhiên, trong khi tiềm năng về tín chỉ carbon như rừng trồng, các hệ sinh thái rừng ở biển và các loại rừng khác vẫn chưa được tiếp cận.
Đồng thời, cũng cần hiểu rằng, không phải cứ có rừng là có thể bán được tín chỉ carbon rừng, mà phụ thuộc vào khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng. Hiện tại, các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến tại Việt Nam kể tới VCS (Verified Carbon Standard), CCB (Climate, Community & Biodiversity Standards), Gold Standard, CDM hay tiêu chuẩn quốc gia về REDD+ kết hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đều nhấn mạnh việc tích luỹ carbon phải gắn liền với giá trị bảo tồn.
Như vậy, các hoạt động của con người như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác gỗ, hoặc đốt nương làm rẫy đều được cân nhắc. Ví dụ cụ thể là Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ carbon từ các dự án trồng lúa giảm phát thải ở Việt Nam với mức giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ, nhưng chỉ khi các dự án này tuân thủ chính sách “1 phải - 5 giảm” trong canh tác. Để có thể bán được tín chỉ carbon rừng và nhận tiền, các dự án cần phải được phê duyệt, tuân thủ đúng cam kết và bảo đảm giảm phát thải được đo lường theo thời gian.
Yếu tố quan trọng khác là công nghệ đo đạc và giám sát dữ liệu rừng. Theo ông Hoàng, hiện tại việc định giá carbon rừng được xác định thông qua các chỉ số giảm phát thải rừng, hấp thụ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế. Việc áp dụng công nghệ đo đạc khả năng khử carbon của rừng, giám sát biến động rừng thường gặp nhiều thách thức do sự đa dạng về loại rừng, loại đất và điều kiện kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng phòng hộ vẫn ngày ngày nâng cấp trình độ quản lý bảo vệ rừng thông qua các công nghệ như giám sát vệ tinh, công nghệ máy bay không người lái và các ứng dụng khoa học công nghệ trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, cùng với các công nghệ quản lý khác.
Ông Hoàng cho rằng, quá trình nâng cấp, cải tiến công nghệ quản lý rừng vẫn diễn ra dù có tín chỉ carbon hay không nhưng khi có tiền dịch vụ môi trường rừng từ carbon sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ nhanh hơn. Hơn nữa, nếu cơ chế pháp luật cho phép sự tham gia của các bên khác, đặc biệt là khối doanh nghiệp, thì điều này có thể mang lại sức sống mới cho rừng thông qua các hoạt động như trồng rừng và quản lý, bảo vệ các diện tích rừng tư nhân, phục vụ cho tín chỉ carbon rừng.