Mặc dù căn bệnh này không còn tỷ lệ tử vong cao như trước đây, và nhiều người dương tính với HIV vẫn sống lâu và hạnh phúc, nhưng các phương pháp điều trị hiện có trên thị trường không mang lại khả năng chữa khỏi bệnh vĩnh viễn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới do tiến sĩ Adi Barzel đứng đầu có khả năng sẽ thay đổi điều này.
Cuộc thử nghiệm của nhóm tại Đại học Tel Aviv (TAU, Israel) cho thấy, các tế bào bạch cầu loại B được biến đổi bằng kỹ thuật chỉnh sửa gien CRISPR để có thể tiết ra lượng kháng thể trung hòa đủ để chống lại và tiêu diệt virus HIV.
Nghiên cứu đã được công bố vào ngày 9/6 trên tạp chí Nature Biotechnology.
Theo tiến sĩ Barzel, nhóm của ông đã thành công trong việc nuôi các tế bào loại B ngoài cơ thể và điều chỉnh nó.
Tế bào B là một loại tế bào bạch cầu của cơ thể người, chịu trách nhiệm tạo ra kháng thể chống lại virus, vi khuẩn và các mầm bệnh khác. Tế bào B hình thành trong tủy xương, di chuyển vào máu khi trưởng thành và theo hệ bạch huyết đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Kỹ thuật di truyền được thực hiện với các chất mang virus, có nguồn gốc từ virus đã được thiết kế lại để không gây thiệt hại mà chỉ đưa gien mã hóa cho kháng thể vào các tế bào B. "Ngoài ra, chúng tôi đã có thể đưa chính xác các kháng thể vào vị trí mong muốn trong tế bào B", tiến sĩ Barzel nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng rằng trong những năm tới họ có thể sử dụng phương pháp trên để sản xuất thuốc hoặc vaccine điều trị HIV và các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung và ung thư não.
Hơn 36 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong do có liên quan đến bệnh HIV/AIDS kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1981. Tính đến năm 2020, khoảng 37 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, chủ yếu ở miền đông và miền nam châu Phi.