Ông Nguyễn Xuân Thành (Trưởng Ban điều hành Thủy điện Rào Trăng 3) cho biết: “Chúng tôi cũng đã tích cực đào đến đất nguyên thổ. Đợt mới đây, tìm kiếm hơn một tuần dưới lòng suối Rào Trăng, anh em chúng tôi cũng đã cố gắng tích cực, trách nhiệm làm hết thời gian, buổi trưa ăn cơm tại hiện trường, nghỉ giải lao 15, 20 phút là quay trở lại tìm kiếm”.
Ông Lê Văn Phùng (ngụ xã Nga Thái, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là bố của 1 nạn nhân đang mất tích nói: “Qua mấy ngày vào đây, tôi thấy các lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng cũng như các lực lượng khác tìm kiếm rất tích cực, trách nhiệm. Tuy hiện tại con trai tôi vẫn chưa được tìm thấy nhưng gia đình tôi cũng rất hài lòng và cũng tin tưởng Quân đội cũng như các lực lượng khác sẽ cố gắng tìm kiếm được cho gia đình”.
Quá trình tìm kiếm Ban Chỉ đạo đã vạch ra phương án cho các giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất khoanh vùng hiện trường, xác định hướng tuyến sạt lở, tổ chức tìm kiếm; Giai đoạn thứ hai: Mở rộng hiện trường tìm kiếm phần trên đất liền; Giai đoạn ba: Tổ chức tìm kiếm dưới lòng sông, tiến hành đắp đê quai, nắn dòng, phân thủy sau đó tìm kiếm ở dưới lòng sông.
Ngày 25/11, tại hiện trường, mực nước của sông Rào Trăng là rất lớn, độ sâu trung bình khoảng 1,5 đến 2m, lưu tốc dòng chảy từ khoảng 30, 40 m3/s. Vì vậy, mà giai đoạn 4 xác định phương án tìm kiếm từ hiện trường xuôi về hạ lưu đến ngã 3 Tam Dần với chiều dài khoảng 2,5km hiện tại rất khó khăn trong việc thi công để tìm kiếm.
Theo Trung tá Phan Thắng (Phó Chỉ huy trưởng – Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế), trước mắt đối với các lực lượng thi công do điều kiện thời tiết không ủng hộ, vì vậy các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã đề xuất với Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cho phép các lực lượng tạm dừng để chuyển sang giai đoạn 4.