Điển hình nhất là chiều 25/8, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74), Bộ Công an, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Bộ đội Biên phòng cảng Tiên Sa, Đà Nẵng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện thêm một container chứa ngà voi và vảy tê tê nhập lậu tại cảng Tiên Sa.
Số ngà voi, vảy tê tê trên được Cty Hùng Huy Bảo, trụ sở tại TP Đà Nẵng nhập về từ Malaysia. Tổng khối lượng lô hàng khoảng 19 tấn, trong đó cơ quan chức năng xác định có một khối lượng ngà voi khá lớn được giấu trong 200 bao đậu đỏ, khi đang làm thủ tục thông quan qua cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng thì bị phát hiện.
Trước đó, ngày 21/8, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra 3 container khai là gỗ xẻ cũng của Cty TNHH Vạn An, nhập khẩu từ Nigieria về Việt Nam và tiếp tục phát hiện dưới các bó gỗ xẻ là 63 bao tải ngà voi có trọng lượng gần 2,2 tấn.
Cách đấy không lâu, ngày 13/8, Cty TNHH Vạn An, có trụ sở tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu đã bị phát hiện trong lô hàng đá cẩm thạch nhập khẩu từ Mozambique về Việt Nam có giấu gần 700kg ngà voi và sừng tê giác.
Toàn bộ số ngà voi được phát hiện trong 3 vụ nói trên, hiện đang được cơ quan chức năng tạm giữ, và tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Sự việc này tiếp tục cảnh báo hiện tượng lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, hoặc sơ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi buôn lậu, hoặc gian lận thương mại.
Cần tiêu hủy để “răn đe” nạn buôn lậu.
Xung quanh sự việc trên, GS. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho rằng, liên tục những vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác, được phát hiện ở Hải Phòng; Đà Nẵng; cảng hàng không nội Bài; Tân Sơn Nhất, với hàng tấn ngà voi được phát hiện, có nghĩa rằng “vô số” con voi đã bị sát hại.
GS. Đặng Huy Huỳnh: “Nêncông khai tiêu hủy tang vật ngà voi, sừng tê giác, xương động vật hoang dã quý hiếm… để ngăn ngừa nạn buôn lậu các mặt hàng này”. |
“Thực tế, ngà voi được nhập lậu về Việt Nam chủ yếu cho mục đích làm thủ công mỹ nghệ bán ra thị trường. Tôi cho rằng để bảo vệ loài voi khỏi nguy cơ tuyệt chủng, mỗi người dân cần nâng cáo ý thức, không sử dụng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ ngà voi. Quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, yêu cầu các cơ sở buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ (đặc biệt ở sân bay, các khu du lịch) không cung cấp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế tác từ ngà voi cho khách hàng.” - GS. Đặng Huy Huỳnh bày tỏ.
Đồng quan điểm này, luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Các đối tượng làm ăn phi pháp thường lợi dụng kẽ hở của pháp luật, để trốn tránh trách nhiệm khi lô hàng buôn lậu bị bắt giữ. Cụ thể, hàng từ nước ngoài chuyển về cho một DN tại Việt Nam, trên hồ sơ ghi là gỗ xẻ chẳng hạn. Nhưng thực tế cơ quan chức năng phát hiện là ngà voi, truy chủ hàng bên Việt Nam thì họ xuất trình ra hợp đồng mua bán hàng hóa đúng là gỗ xẻ… nên đành chịu. Vì họ nói rằng họ không mua ngà voi, còn vì sao lại có sự “nhầm lẫn” hàng hóa thì cơ quan chức năng… ra nước ngoài mà hỏi. Như vậy, họ sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” khi bị phát hiện. Điều này cũng lý giải vì sao cơ quan chức năng cũng bắt giữ nhiều lô hàng có giá trị kinh tế rất lớn, nhưng… vô chủ”
Từ những vụ phát hiện hàng cấm ngà voi, sừng tê giác… cho thấy một thực tế, các DN làm ăn phi pháp chủ yếu lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất để nhập lậu các mặt hàng cấm. Trên hồ sơ giấy tờ họ thường khai và viết hóa đơn làm thủ tục tạm nhập một mặt hàng được cơ quan chức năng cho phép, nhưng cũng trà trộn thêm cả hàng quốc cấm. Và tìm mọi cách để đánh lừa cơ quan chức năng.
Mặt khác, khi tịch thu được tang vật là ngà voi, hay các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, thì cần công khai tiêu hủy, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, cộng đồng, các nhà khoa học... Việc tiêu hủy các sản phẩm, ngà voi hoặc sừng tê giác, mai đồi mồi… tịch thu được từ các đối tượng buôn lậu là đúng.
Theo GS. Đặng Huy Huỳnh, để ngăn chặn thực trạng buôn bán săn bắn trái phép động vật hoang dã, các đơn vị thực thi luật pháp cần quyết liệt hơn. Đồng thời tăng cường đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại, phát hiện chính xác hàng hóa xuất nhập khẩu./.