Du lịch Đà Nẵng lao đao vì dịch

Tuyến đường ven biển Đà Nẵng với đa số khách sạn đìu hiu, phải tạm ngưng hoạt động vì không có khách.
Tuyến đường ven biển Đà Nẵng với đa số khách sạn đìu hiu, phải tạm ngưng hoạt động vì không có khách.
(PLVN) - Có khoảng gần 40.000 lao động trong ngành du lịch tại Đà Nẵng mất việc làm, nghỉ việc tạm thời do dịch Covid-19; các danh lam thắng cảnh nổi tiếng hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, những ngày đầu năm Tân Sửu, hàng loạt khách sạn ven biển đăng thông tin rao bán “cắt lỗ”.

Lao động du lịch chật vật kiếm sống

Một năm trôi qua, chị Nguyễn Thị Xinh (quê Hà Tĩnh, tạm trú Sơn Trà, Đà Nẵng), hướng dẫn viên du lịch tiếng Hàn phải xoay đủ nghề, chỉ để mong có thể “bám trụ” tại nơi làm việc. Chị Xinh cho biết, từ đợt dịch thứ nhất chị đã thất nghiệp do các hãng không có khách. Không thể về quê “ăn bám” với bố mẹ mãi, chị quyết định bán hàng online, đăng thông tin nhận dạy gia sư tiếng Hàn, nhưng rồi, tình hình kinh tế chung cũng ảm đạm nên chẳng việc nào hiệu quả. 

Không chỉ chị Xinh, do thị trường khách nước ngoài, trong đó có khách Hàn Quốc “đóng băng” nên các đồng nghiệp của chị cũng chung hoàn cảnh, “lay lắt” sống chờ ngành du lịch phục hồi. Thế nhưng, đã có nhiều người không trụ nổi, phải bỏ phố về quê.

Anh Trần Thanh (quê Quảng Ngãi), hướng dẫn viên tiếng Trung cho một công ty du lịch có tiếng ở Đà Nẵng hiện cũng phải xin phục vụ bàn tại 2 quán cà phê theo ca sáng và tối với hy vọng đủ sống để ở lại thành phố. Hay anh Võ Văn Thành (quê Nghệ An), hướng dẫn viên du lịch tiếng Hàn chuyển sang chạy Grab cung cấp thức ăn, đồ uống kiếm sống.

Còn chị Lê Minh Thanh (Thanh Khê, Đà Nẵng) chua chát: “13 năm làm hướng dẫn viên tiếng Anh, chưa bao giờ tôi thấy vất vả như năm 2020 vừa qua và 2021 bây giờ. Vào những mùa cao điểm hàng năm, lịch trình của tôi luôn kín mít, nhưng 1 năm nay đành “bó gối” ở nhà, cuộc sống gia đình 4 người trông chờ cả vào đồng lương công chức của chồng”.

Không chỉ hướng dẫn viên, các lao động làm việc trong ngành khách sạn, cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Theo đại diện Hội khách sạn Đà Nẵng, dịch Covid-19 kéo dài khiến các khách sạn tại thành phố lao đao, đóng cửa hàng loạt, cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách. 

“Người lao động trong ngành thất nghiệp ở con số lớn chưa từng thấy từ trước đến nay. Hiện 95% nhân viên các khách sạn được cho nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc hưởng hỗ trợ của Chính phủ. Dù hiện tại, các cơ sở lưu trú đã được mở cửa đón khách nhưng chỉ khoảng 10-15% khách sạn hoạt động trở lại”, người này thông tin.

Còn theo số liệu của Sở Du lịch Đà Nẵng, từ đầu tháng 8 tới nay ước khoảng gần 40.000/50.960 người, tức khoảng 62,5% tổng số lao động trong lĩnh lực du lịch, dịch vụ phải tạm ngừng, nghỉ việc. Đáng chú ý, Đà Nẵng có hơn 4.500 hướng dẫn viên du lịch cả nội địa và quốc tế. Sau khi dịch bùng phát lần thứ 2 đến nay gần như hướng dẫn viên không còn việc làm.

Thông tin rao bán khách sạn nhan nhản trên các trang mạng xã hội ở Đà Nẵng.
 Thông tin rao bán khách sạn nhan nhản trên các trang mạng xã hội ở Đà Nẵng.

Hàng loạt khách sạn ven biển rao bán “cắt lỗ”

Đặc biệt, những ngày đầu năm Tân Sửu, không khó để lên trên các diễn đàn bất động sản tìm hiểu về việc các khách sạn ở Đà Nẵng đăng thông tin rao bán nhan nhản. Các khách sạn rao bán nằm khắp các tuyến phố du lịch vốn sầm uất, nhộn nhịp như Võ Nguyên Giáp, Bạch Đằng, Hồ Nghinh, Hồ Xuân Hương,... Hầu hết các thông tin rao bán đều có nội dung “nợ tiền ngân hàng cần bán gấp khách sạn”. 

Một khách sạn khác ở đường Đỗ Bí (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) rao bán 70 tỷ đồng, được quảng cáo có diện tích gần 250m2, mặt tiền 13,5m, đường rộng, nằm ngay khu trung tâm phố tây. Khách sạn có 12 tầng, 56 phòng, có phòng spa, massage, bể bơi, cách bãi biển Mỹ Khê chỉ 100m. Nhiều người trong nghề bất động sản tiết lộ: “Do chủ khách sạn này đang cần bán cắt lỗ nên phải hạ giá đến mức này, chứ trong điều kiện bình thường thì giá không dưới 85 tỷ đồng”. 

Anh Nguyễn Vũ, người chuyên môi giới bất động sản du lịch ở Đà Nẵng cho biết, từ trong Tết Nguyên đán đến nay, anh liên tục dẫn khách từ miền Tây và TP HCM khảo sát, tìm mua lại khách sạn ở Đà Nẵng vì giá đã hạ rất thấp. Theo anh Vũ, anh làm nghề này cũng khá lâu nhưng chưa bao giờ thấy giá bán các khách sạn ở Đà Nẵng lại rớt thê thảm như thời gian này, nhất là những khách sạn tầm 3 sao. 

Anh Vũ dẫn chứng cụ thể về khách sạn L.G (đường Đinh Đạt, gần biển) mới xây dựng 1 năm, có diện tích 10 X 18,5m, 8 tầng, 26 phòng được rao bán với giá 27 tỷ đồng, có thương lượng giảm bởi không hoạt động, không có doanh thu để trả nợ ngân hàng. Trước đó, khách sạn này có giá khoảng 30-32 tỷ đồng. Cũng lời anh Vũ, thực tế những khách sạn đang nhờ anh tìm mối bán đều vay mượn tiền ngân hàng để đầu tư. 

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xác nhận, có tình trạng nhiều khách sạn rao bán vì khó khăn. Những khách sạn rao bán chủ yếu nhà nghỉ, khách sạn 1-3 sao. Có khách sạn 4 sao nhưng không nhiều. Theo ông Dũng, các khách sạn rao bán thời điểm này là xu hướng tất yếu của quy luật cung - cầu. Khi nguồn cung vượt cầu, các chủ đầu tư có thể chuyển công năng cơ sở lưu trú, hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới. Đại dịch Covid-19 đã gây ra cái khó chung cho ngành du lịch chứ không chỉ riêng gì Đà Nẵng. 

Ông Dũng khẳng định, dù có xảy ra tình trạng rao bán khách sạn sau dịch, cũng không ảnh hưởng gì đến việc phục vụ khách của Đà Nẵng bởi thành phố có tới hơn 1.100 khách sạn. “Thậm chí, điều này còn có tác dụng sàng lọc doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cảm thấy kinh doanh khó bắt kịp xu hướng, có thể thua lỗ kéo dài, nên sàng lọc. Còn những doanh nghiệp lớn hơn, quy mô lớn hơn, có nguồn tài chính tốt, có thể trụ lại lâu hơn, họ sẽ phục vụ khách tốt hơn, đó là quy luật của thị trường”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận.

Ông Dũng cũng cho rằng, 2021 cũng sẽ là một năm khó khăn, doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ phải bám sát vào tiến trình kiểm soát dịch bệnh, nếu có tín hiệu tốt, sẽ triển khai ngay các biện pháp kích cầu du lịch, tung ra các gói sản phẩm kích cầu. Tuy nhiên, phải đặt việc chống dịch lên cao nhất. Hiệp hội Du lịch đang cùng với quỹ phát triển du lịch thành phố khảo sát xem với đợt bùng phát dịch mới này tại các tỉnh phía Bắc, tình hình doanh nghiệp thế nào, định hướng ra sao, cần gì. Sau đó mới tập hợp và có những kiến nghị sát nhất với tình hình hiện nay.

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượt khách lưu trú phục vụ tháng 1/2021 của thành phố chỉ hơn 250 nghìn, giảm đến 65,6% so với cùng kỳ 2020, khách quốc tế giảm hơn 95%, khách nội địa giảm 36,7%. Trong dịp Tết Nguyên đán 2021, các sở, ngành thành phố và các đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch tổ chức một số sự kiện, sản phẩm dịch vụ để phục vụ du khách đến tham quan.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và đã bùng phát các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở nhiều địa phương trong cả nước, gây tâm lý e ngại nên đa số khách du lịch hủy dịch vụ dịp Tết. Từ 29 Tết đến mùng 5 Tết, tổng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 30,8 nghìn lượt, trong đó chủ yếu là khách nội địa đi lẻ, đi theo nhóm gia đình và tự đặt dịch vụ.

Đọc thêm

Chuyện ở nơi trồng 'nhất chi mai' lớn nhất Hà thành

Nông dân thôn An Hòa tất bật chăm sóc cây mai trắng. (Ảnh trong bài: PV)
(PLVN) - Những năm gần đây, trên miền đất đồi gò thuộc xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội), cây mai trắng hay còn được gọi với cái tên “nhất chi mai” đã bén rễ, nảy mầm, tô thắm vùng đất dưới chân núi Tản. Điều thú vị ít ai biết, chính thứ được liệt trong tứ quý gồm “tùng, cúc, trúc, mai” lại thích nghi tuyệt vời và là cây xóa nghèo trên vùng đất này.

Blockchain, AI thổi làn gió mới vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam

Blockchain, AI thổi làn gió mới vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam
(PLVN) - Hưởng ứng ngày Đổi mới Sáng tạo Thế giới - 21/4. Ngày 19/4, Hội tin học TP HCM (HCA), Saigon Innovation Hub, Binance Academy đồng tổ chức sự kiện Vietnam Technology Day, tại TP HCM. Sự kiện có sự tham gia của ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chánh Văn phòng Bộ - Giám đốc văn phòng Phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ. Lãnh đạo các tập đoàn công nghệ Việt Nam và quốc tế cùng các Tiến sĩ đến từ Đại học hàng đầu Việt Nam.

Tạo dựng thương hiệu muối Bạc Liêu là sản phẩm đặc biệt

Tạo dựng thương hiệu muối Bạc Liêu là sản phẩm đặc biệt
(PLVN) - Năm 2013, sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Cuối năm 2020, nghề muối Bạc Liêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, đến nay có nhiều sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

vnEdu Content - Chìa khóa mở tương lai giáo dục số hiện đại

vnEdu Content - Chìa khóa mở tương lai giáo dục số hiện đại
(PLVN) - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Internet, giáo dục số đã trở thành xu hướng quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, vnEdu content nổi lên như một nền tảng giáo dục số tiên phong cung cấp môi trường giáo dục số hiện đại với nhiều tiện ích cho giáo viên và học sinh trên cả nước.

VNPT nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ 5G

VNPT nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ 5G
(PLVN) - Chiều 15/4, tại cuộc giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn VNPT đã được trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G.

Sắp diễn ra Festival 100 năm cây dừa sáp Trà Vinh

Sắp diễn ra Festival 100 năm cây dừa sáp Trà Vinh
(PLVN) - Dự kiến cuối tháng 8/2024, Trà Vinh lần đầu tổ chức Festival 100 năm dừa sáp được tỉnh Trà Vinh. Đây là sự kiện quy mô cấp tỉnh kết hợp với việc tổ chức Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Công an 'vào cuộc' tham gia quản lý thị trường vàng

Ảnh minh họa.
(PLVN) -  Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Trong đó, NHNN đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp xử lý nghiêm minh các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng...