Báo PLVN đã có bài viết phản ánh vụ việc một bãi chôn rác rộng lớn tồn tại ở ngay tại bãi ngoài đê thuộc địa phận thôn Kinh Dương, xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách (Hải Dương) làm môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát.
Tại buổi làm việc, ông Thành thừa nhận, bãi rác mà người dân phản ánh rộng chừng 5000m2, đã tồn tại từ nhiều năm nay. Rác được chôn lấp trái phép gồm: rác thải công nghiệp, vụn vải, vụn của mũi giầy da…Những đối tượng thu gom rác thường vận chuyển bằng ô tô kín đáo và hoạt động vào ban đêm nên khó khăn trong việc phát hiện, xử lý. Thời gian gần đây, khi tàu hút cát vào hút làm bờ sông bị lở thì bãi rác mới lộ ra với chiều sâu từ mặt đất lên khoảng 2 mét. Khu đất nơi có bãi chôn rác rộng khoảng 10.000m2.
Từ năm 2006 – 2012, khu đất được chính quyền giao cho ông Phan Bẩy (chủ một doanh nghiệp, trú tại thôn Nấu Khê, xã Hiệp Cát) thuê để xây dựng, sản xuất lò gạch thủ công. Nhưng từ cuối năm 2002 đến nay, do làm ăn thua lỗ, ông Bẩy đã chuyển nhượng khu đất cho ông Trần Thanh Tùng (trú tại xã An Châu, TP Hải Dương) để làm bãi chứa vật liệu phục vụ nhà máy gạch của gia đình (thuộc Công ty Cổ phần gạch Thành Công NS).
Liên quan đến việc lãnh đạo xã bị tố cấu kết với chủ lò gạch chôn rác trái phép nhiều năm, tuy là người giữ chức vụ Bí thư xã gần chục năm và hiện đang là Chủ tịch UBND xã nhưng ông Thành cho hay, “không hề nắm rõ được việc này”.
Theo ông Thành, bãi chôn rác xuất hiện vào khoảng thời gian từ năm 2006 – 2012. Tuy nhiên, khi được phóng viên chất vấn về việc, thời gian bãi rác tồn tại đúng thời kỳ ông Thành làm lãnh đạo nhưng xã đã không có động thái gì để xử lý, ông Thành liền phủ nhận: “Bãi rác xuất hiện từ năm 2006 nhưng đến năm 2007, tôi mới làm Bí thư xã và chỉ quản lý về mặt đảng, như vậy không liên quan tới việc người dân tố cáo”.
Cũng liên quan đến bãi chôn rác này, người dân còn phản ánh, để bãi rác tồn tại nhiều năm mà không hề bị xử lý còn có sự bao che, dung túng của cán bộ Tài nguyên Môi trường. Và nếu người dân không bức xúc phản ánh hoặc báo chí không vào cuộc thì bãi rác này sẽ được mở rộng ra như thế nào và tiếp tục tồn tại đến bao giờ?
Theo tìm hiểu, tại địa bàn xã Hiệp Cát còn xảy ra tình trạng lấp mương, xây nhà ở, cửa hàng kinh doanh đè lên cống thoát nước. Cụ thể, tại mương tiêu thoát nước chảy qua cổng UBND xã Hiệp Cát với chiều dài khoảng 500 mét hiện nay mới đang được tiến hành cho xây cống. Điều đáng nói, từ một mương nước rộng 5 mét, nay cống được xây chỉ khoảng một mét. Diện tích còn lại đều bị san lấp, bằng phẳng với mặt cống. Hàng chục căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2 đã được xây dựng có thể dùng để ở hoặc kinh doanh buôn bán.
Khi được hỏi việc lấp mương xây cống và xây nhà như vậy có chủ trương hay được sự cho phép của cấp có thẩm quyền hay không, ông Thành khẳng định, chính ông là người đưa ra ý kiến và được tập thể xã thông qua, cho phép. Mỗi nhà xây chỉ mấy chục triệu đồng nhưng sẽ tận dụng để ở, kinh doanh.
Việc cho phép này có đúng với chức năng, thẩm quyền của xã hay không, Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.