Theo đơn phản ánh của bà con nhân dân, chúng tôi đã đi thực tế dọc các con Đường liên huyện, liên xã mang tên Đường 35, 14 của huyện của Sóc Sơn.
Nhiều đoạn Đường 14 bị chặn lại bởi gạch đá, gỗ các loại |
Nhắc đến huyện Sóc Sơn, Hà Nội, hẳn nhiều người biết đến vùng đất này với một thời hoàng kim, khi bất động sản lên giá, người người đổ về đây mua đất xây nhà, làm trang trại… Cuộc sống sinh hoạt của bà con nhân dân ở đây vì thế cũng sôi động hẳn lên. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng, nhiều khu du lịch sinh thái khai trương, những con đường mới được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn. Kinh tế, xã hội của vùng đất này báo hiệu sự phát bền vững. Thế nhưng, cũng từ những con đường này, ẩn hoạ đã xuất hiện, tai nạn giao thông xảy ra ngày một nhiều.
Có hơn 20 nắp hố ga bị vỡ, trở thành những cái bẫy giết người đi đường như thế này ở Đường 14 đoạn qua xã Minh Phú. |
Tại con Đường 14, cảm nhận của chúng tôi là đường mới, rộng, đẹp, nhưng không đảm bảo an toàn. Toàn bộ con đường không có biển báo hướng dẫn giao thông cũng như quy định trọng tải cho phép. Nguy hiểm hơn là có tới gần 1 km, toàn bộ hố ga bị vỡ nắp, trở thành những "cái bẫy giết người đi đường", nếu không chú ý. Ban đêm, người dân không dám ra đường vì có thể sập bẫy bất cứ lúc nào.
Dọc Đường 14 có rất nhiều đoạn hư hỏng như thế này, không hiểu chủ đầu tư và nhà thầu nghĩ gì? |
Một con đường có hai kịch bản, cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi đã thốt lên điều này. Bởi đoạn đầu, dài gần 1 km có tới gần 20 hố ga bị vỡ nắp, đoạn cuối thì đầy rẫy những đống gạch ngói, cây cối giăng ra chặn đường.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, do xe tải chở nặng đất cho công trường xây dựng Nhà ga T2 Nội Bài cũng như đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên hoạt động suốt đêm ngày, vương vãi khắp nơi, bụi bay mù mịt ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong thôn xóm.
Kêu trời không thấu, người dân cực chẳng đã đành phải bê đất đá chặn đường. Hôm nào nhà thầu chở đất chịu khó tưới đường, hạn chế bụi thì người dân mở lối cho đi. Được vài hôm, đâu lại vào đó, bụi bay mù mịt, phủ kín cả làng xóm, không chỉ con người mà cả cây cối cũng trụi dần.
Nhiều người đã tàn phế bởi những cái bẫy như thế này. Đáng buồn là tình trạng này diễn ra hằng năm nay không thấy cơ quan nào đứng ra sửa chữa? |
Tìm hiểu, chúng tôi đã vỡ lẽ, nguyên nhân không phải do ý thức của người dân mà do chất lượng đường không đảm bảo, mặt đường lún sụt, ổ gà, ổ voi nhấp nhổm, nguy hiểm hơn còn có rất nhiều hố ga bị vỡ. Những cái hố ga này sâu tới 3 m, nếu không may bánh xe sa vào là có vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Chuyện này đã xảy ra như cơm bữa ở đây. Nhiều người dân đồng tình phản ánh với phóng viên.
Chiều ngày 26-3, khi chúng tôi chụp ảnh, đếm những hố ga vỡ nắp, rất nhiều người dân đã phản ánh. Bác Liên, một hộ dân ven đường kể: Chồng tôi 70 tuổi thấy tai nạn nhiều quá đã ra vần tảng bê tông to đặt trước hố ga, Bởi nếu chỉ che đậy báo hiệu bằng cành cây, bó cây ngô không đủ, tai nạn vẫn xảy ra liên tiếp. Bởi ban đêm làm gì có đèn điện. Ô tô rơi xuống cũng sập bánh, nói chi đến xe máy.
Hằng ngày xe tải lớn hoạt động liên tục với tần suất dày đặc, khiến con đường đã xuống cấp càng hư hỏng nhanh |
Ông Kiên, một người dân ở Đội 4 xóm kinh tế mới xã Minh Phú phản ánh, các hộ dân bê gạch, đá, cây chặn đường vì xe tải chở đất phục vụ công trình xây dựng Nhà ga T2 Nội Bài và đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên chạy qua đây ùn ùn như mắc cửi, xe chở nặng, vương vãi, bụi mù cả làng xóm. Hôm nào các chủ xe đem nước tưới đường thì họ cho đi, không thì chặn lại… cứ thế không ít lần xô xát đã xảy ra, thậm chí có vụ đánh nhau to Công an huyện phải vào cuộc.
Ông Đào Xuân Tân, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh tế của xã Minh Phú cho rằng chính quyền xã cũng bất lực! |
Đem theo bức xúc của nhân dân, chúng tôi đến UBND xã Minh Phú. Ông Đào Xuân Tân, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh tế của xã Minh Phú cho biết: Đây cũng là bức xúc của nhân dân gửi tới Hội đồng nhân dân, những lần tiếp xúc cử tri, xã cũng không giải được bài toán này.
Theo ông Đường 14 được 3 nhà thầu thi công, chủ đầu tư là UBND Huyện Sóc Sơn, do chất lượng kém, xe tải chở quá trọng tải hoạt động ngày đêm nên gần như 100% nắp cống bị hư hỏng hoàn toàn, vô tình trở thành bẫy người tham gia giao thông.
Người dân kêu không được thì đem gạch đá cây cối ra chặn xe. Có người chặn với ý hạn chế tai nạn, có người chặn vì ô nhiễm môi trường.
Xã biết mà không làm gì được, chỉ còn cách kêu lên huyện. Bởi những gì làm được chính quyền, công an xã đã làm rồi. Ông Tân đọc cho tôi tên ông Tạ Văn Đa, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Sóc Sơn, ông Huy Công an huyện rồi hướng dẫn lên đó mà hỏi.
Ban ngày thì còn tránh được, ban đêm thì đành phó mặc may rủi, bởi ở đây không có hệ thống chiếu sáng |
Không phải ở đâu xa, cách Hà Nội chưa đầy 50 km mà đã có chuyện tưởng như khó tin. Rất mong UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết đế đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của nhân dân sinh sống dọc các thôn Phú Thịnh, Thanh Sơn, Phú Linh.
Nhân đây cũng nói thêm, vào những ngày cuối tuần, nhiều du khách nước ngoài thường đến sân gôn Hà Nội để giải trí, và nhiều người đã không giấu nổi sự ngạc nhiên, vì sao một con đường ở gần Thủ đô lại tệ như vậy? Câu hỏi này xin được gửi đến UBNDTP HN và huyện Sóc Sơn?
Theo GTVT