Tăng tiền lương làm thêm giờ
Khái niệm về tiền lương sẽ được sửa đổi theo quy định Công ước 95 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là “bảo đảm tiền lương của người lao động là mọi khoản tiền mà người lao động nhận được từ việc thực hiện các công việc đã thỏa thuận”. Các quy định về khấu trừ lương, thanh toán lương, lương ngừng việc sẽ được quy định rõ ràng hơn để bảo vệ tiền lương của người lao động.
Đáng lưu ý, các quy định về tiền lương sẽ được thay đổi theo nguyên tắc là đảm bảo doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự quyết chính sách tiền lương. Bộ luật sẽ bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy và đảm bảo cho thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích người lao động.
Các tiêu chí làm căn cứ xác định tiền lương tối thiểu sẽ được sửa đổi thành đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ nhưng đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, tiền lương làm thêm giờ (khung làm thêm giờ tối đa sẽ được tăng từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm) cũng là một nội dung được điều chỉnh trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo một phương án được đề xuất trong dự thảo này, người lao động làm thêm giờ được tính lương như sau: Vào ngày thường được trả ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ tiếp theo.
Vào ngày nghỉ hàng tuần được trả ít nhất 200% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo. Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo. Với cách tính nêu trên, tiền lương làm thêm giờ của người lao động tăng lên đáng kể so với quy định hiện nay.
Đến từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bà Bùi Thị Thỏa thống nhất với các quy định về tiền lương theo hướng hạn chế sự can thiệp của Nhà nước và quan hệ của các bên trong thị trường lao động. Điều này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong quản trị doanh nghiệp liên quan đến xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động.
Tuy nhiên, theo bà Thỏa, cần lộ trình và bước đi phù hợp, đồng thời cần quy định có sự tham gia thỏa đáng của tổ chức đại diện người lao động trong quá trình xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động, chứ không chỉ tham khảo ý kiến mang tính hình thức như hiện nay.
Có nên nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài?
Nội dung khác của dự thảo BLLĐ sửa đổi cũng nhận được nhiều sự quan tâm là thời gian nghỉ Tết Âm lịch. Về vấn đề này, theo đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo BLLĐ sửa đổi – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quy định nghỉ Tết trong BLLĐ 2012 đã được thực hiện từ năm 2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ.
Nhất là những người lao động ở tỉnh xa mỗi năm chỉ có điều kiện về thăm nhà đôi lần sẽ có nhiều thời gian hơn để ở bên người thân, đi thăm hỏi họ hàng... Khi nghỉ nhiều ngày liên tục, người lao động có thêm thời gian đi tham quan các vùng miền trong cả nước, góp phần kích thích phát triển du lịch.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam là dài so với một số quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn như Trung Quốc khoảng 7 ngày, Đài Loan 5 ngày, Hàn Quốc 3 ngày, Singapore và Malaysia 2 ngày, Brunei, Thái Lan và Philippines 1 ngày. Điều này có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu vì người lao động nghỉ việc trong thời gian này.
Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1/2019 của Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ Tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết này, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch trong dự thảo Bộ luật để lấy ý kiến.
Cụ thể, phương án 1 sửa đổi theo hướng người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù. Còn phương án 2 giữ nguyên hiện hành là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 2. Các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đồng ý với phương án giữ nguyên để người lao động được nghỉ bù.
Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập sâu rộng, nên chăng đã đến lúc tính toán phương án nghỉ bù này cho kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Được biết, trên thế giới, hiện cũng chỉ có khoảng 3 – 4 nước đón Tết Âm lịch hay một nước truyền thống lâu đời như nước Nhật nhưng ngay khi Nhật hoàng Minh Trị lên ngôi, công việc đầu tiên là bỏ ăn Tết Âm lịch và theo phương Tây ăn Tết Dương lịch.