Đảm bảo phòng chống dịch và đón tết an toàn
Tại hội nghị, các đại biểu từ các sở, ngành đã nêu ra một số thực trạng, vướng mắc cần giải quyết trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống hạn mặn 2021, công tác phòng chống dịch bệnh và công tác chuẩn bị đón tết Tân Sửu cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình hạn mặn sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn ngày càng tăng. Do đó, tại vùng hạ nguồn như tỉnh Tiền Giang sẽ chịu những tác động rất nặng nề. Hiện Sở đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành xây dựng các công trình điều tiết trên sông Hàm Luông và sông Vàm Cỏ để thực hiện công tác ngăn mặn.
Chú trọng công tác chuẩn bị cho người dân đón tết |
Theo ông Trần Thanh Thảo - Giáo đốc Sở Y tế cho biết: Trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 có những diễn biến phức tạp như hiện nay, tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống (5K) theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các bệnh thường xảy ra mùa đông xuân như cảm cúm, viêm mũi dị ứng, sốt xuất huyết, tay chân miệng … để tuyên truyền để người dân chủ động các biện pháp phòng tránh, hạn chế để dịch lây lan ra cộng đồng.
Trước Tết nguyên đán đang đến gần, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã ban hành kế hoạch chuẩn bị cho người dân đón tết. Theo đó, Sở Công thương đã chủ động kết hợp cùng các ban, ngành để kiểm soát tốt các loại mặt hàng Tết, tuyên truyền chống hàng gian, hàng giả, đảm bảo cung ứng cho người dân. Các hoạt động vui chơi đón Tết được sở Văn hóa – thể thao du lịch lên kế hoạch tổ chức và theo dõi sát sao, thực hiện theo phương châm mở và đóng.
Khẩn trương xây dựng Quy hoạch tỉnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu ra các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch Covid-19, tình trạng hạn, mặn; xử lý khẩn cấp xói lở bờ sông, bờ biển; xúc tiến các dự án trái cây; rà soát lại các dự án kêu gọi đầu tư. Sớm hoàn thành giai đoạn 2 của dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu chỉ đạo. |
Đồng thời, cần tập trung rà soát các nghị quyết của HĐND tỉnh để có những ý kiến sửa đổi, bổ sung kịp thời. Theo đó, năm 2021 Tiền Giang phấn đấu tăng từ 6-7% tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 36% so với GRDP; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 1,67%; tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội đạt 92%; tỉ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 96%; tỉ lệ hòa giải trong tổ chức thi hành pháp luật đạt từ 88% trở lên…
Khẩn trương xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp công nghệ số…
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, năm 2020, tình hình phát triển kinh tế xã hội có những chuyển biến tích cực, nổi lên với những điểm sáng như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư, giải ngân, thu hút vốn đầu tư, tăng trưởng tín dụng, phát triển công nghiệp – thương mại, an ninh quốc phòng được đảm bảo… Trong tổng số nhóm 18 chỉ tiêu trong kế hoạch đã đề ra, có 14/18 nhóm đạt và vượt kế hoạch.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 59.549 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 56,5 triệu đồng/ người/ năm, tăng 1,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2019. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 19.326 tỷ đồng, tổng chi ngân sách chỉ 19.917 tỷ đồng, đạt 144,7% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã huy động tất cả các nguồn lực để kịp thời bố trí kinh phí cho các đơn vị, địa phương như nguồn dự phòng, nguồn cải cách tiền lương của ngân sách tỉnh… Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống hạn mặn phát sinh khá lớn, khoảng 388 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ người dân, phòng chống Covid – 19 gần 500 tỷ đồng.