Tiêm chủng Vắc xin: Mất 2 triệu thuê xếp hàng vẫn... trắng tay

Cảnh chen lấn, giẫm đạp trắng đêm chờ tiêm vắc xin ở Hà Nội
Cảnh chen lấn, giẫm đạp trắng đêm chờ tiêm vắc xin ở Hà Nội
(PLO) - Suốt những ngày qua, tình trạng chen chúc, thậm chí giẫm đạp tại nhiều điểm tiêm chủng dịch vụ vắc xin Pentaxim tại Hà Nội và TP HCM  chỉ có thể gọi là... kinh hoàng. 

Sao phải khổ tới vậy khi vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem nằm trong nhóm vắc xin tiêm chủng định kỳ miễn phí của Bộ Y tế? Bởi quá cấp thiết hay bởi tâm lý đám đông? Và dù thế nào thì việc chen lấn bằng mọi giá cũng có đáng không, khi con cái vô hình trung là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ...?

Mất 2 triệu thuê xếp hàng vẫn... trắng tay
Sau những giẫm đạp, xô đẩy, tại nhiều điểm tiêm vắc xin dịch vụ trên cả nước đã tiến hành đăng ký tiêm qua mạng hoặc gọi đến tổng đài. Tuy nhiên, xung quanh sự việc này có rất nhiều tình huống dở khóc, dở cười đó là việc: Tổng đài không liên lạc được, website bị sập hay thậm chí là việc hết số quá sớm… khiến không ít người càng nóng lòng.
Ngay sau hơn 3 phút hệ thống đăng ký đã đóng lại vì hết số, rất nhiều người có mặt trực tiếp tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã bức xúc cho rằng: “Không thể có chuyện đăng ký quá nhanh như vậy”. “Tôi nghĩ rằng hệ thống hoặc người làm hệ thống có vấn đề, làm gì có chuyện 3 phút hết hơn 3.200 liều được. Đăng ký qua mạng thế này chẳng ai nhìn thấy, chẳng ai kiểm chứng thì tôi nghĩ chắc không có sự công bằng”, anh Hùng, một phụ huynh nói với nhân viên y tế. 
Giải thích về sự cố không truy cập được vào hệ thống, đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội khẳng định không có chuyện sập nguồn mạng vì quá tải mà là do 3.200 liều vắc xin đã được đăng ký hết chỉ trong vòng 3 phút đầu tiên. Ước tính thời điểm đó có đến 10.000 người cùng vào trang đăng ký chỉ trong một giây. Không chỉ người dân Hà Nội, có những người ở tỉnh khác như Thái Nguyên cũng vào đăng ký cho con. 
Sau sự việc chen lấn, xô đẩy tại điểm tiêm chủng Lương Thế Vinh, các facebooker đã phân tích sự an toàn của vắc xin Quinvaxem để phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn về loại vắc xin được Chính phủ Việt Nam lựa chọn để tiêm chủng miễn phí.
Trước đó, từ đêm 24 đến 10 giờ sáng ngày 25/12, tại điểm tiêm chủng dịch vụ Polyvac (cơ sở 2) đóng tại đường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã xảy ra sự cố chen lấn, xô đẩy khi đứng chờ tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 cho con. Sự cố này khiến cho hoạt động tiêm chủng như đã thông báo trước đã phải tạm hoãn để đảm bảo an toàn và an ninh trật tự. 
Ngay sau sự việc trên, Bộ Y tế đã tổ chức họp nóng và yêu cầu tạm dừng tất cả các cơ sở tiêm đang tiêm loại vắc xin này. Đồng thời, Bộ Y tế và các bên liên quan đã “ngồi lại với nhau” để bàn phương án giải quyết cũng như tiêm chủng sao cho khoa học và hợp lý nhất. 
Cũng trong thời điểm trắng đêm 24, ngày 25, nhiều trang facebook đã tìm người xếp hàng với giá 250.000 đồng. Có nhà thuê người xếp hàng hết 2 triệu nhưng đành mất trắng vì lịch hoãn tiêm vắc xin. Lý do là bởi vì Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra công văn thông báo sẽ có 200.000 liều vắc xin phối hợp 5 trong 1 (vắc xin Pentaxim do Công ty Sanofi Pasteur S.A, Pháp sản xuất) được cung ứng ra thị trường. 
Số vắc xin này sẽ được phân phối ra thị trường theo hai đợt. Đợt 1: 160.000 liều trong tháng 12 này và 40.000 liều còn lại trong tháng 2/2016. Thế nhưng vì sợ hết vắc xin tiêm dịch vụ như mấy tháng trước, nhiều người dân đã bất chấp sự lạnh giá, xếp hàng thâu đêm mong đến lượt tiêm.
“Nhất định mình phải tiêm được cho con”
Là quyết tâm của một người mẹ trẻ chia sẻ trên trang cá nhân. Ngoài ra, các trang này phụ huynh cũng hướng dẫn nhau đăng kí sao cho khỏi... trật như cứ 1 phút là có 10.000 người đồng loạt đăng kí như ở trên.
Số lượng vắc xin rất hạn chế nhưng ai cũng muốn chen chân để tranh giành cho được một liều mới diễn ra cảnh như thế trong khi ai cũng biết vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem được tiêm chủng định kỳ miễn phí ngay tại các địa phương. Sự chen lấn ấy phụ thuộc rất nhiều vào ý thức khi mà ai cũng muốn giành giật trong cơn sốt ảo và sự không tin tưởng vào dịch vụ miễn phí. Đành rằng đã có một số trường hợp bé dưới 1 tuổi tử vong do tiêm vắc xin nhưng đó là con số xác suất. 
Đành rằng, ai cũng muốn dành cho con mình điều tốt đẹp nhất, nhưng có đến mức như vậy hay không? Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem hiện đang tiêm chủng miễn phí là an toàn. 
Theo bác sĩ Huỳnh Phước Sang: Vắc xin đắt tiền (như Pentaxim) thì ít tác dụng phụ hơn, nhưng sức bảo vệ yếu hơn, còn loại rẻ tiền (như Quinvaxem) thì có nhiều tác dụng phụ hơn nhưng sức bảo vệ mạnh hơn, nên chưa chắc đắt tiền đã là tốt và phù hợp với điều kiện của người Việt Nam (WHO khuyến cáo các nước có hệ thống y tế yếu nên chọn loại vắc xin mạnh mẽ hơn để đảm bảo dịch bệnh ít bùng phát hơn). 
Vậy, phải chăng nguyên nhân sâu xa hơn của hiện tượng chen lấn vừa rồi là do tâm lý muốn “hơn người” và theo đám đông. Vắc xin ở điểm tiêm chủng dịch vụ đắt tiền, nhập ngoại, quý hiếm (vì số lượng ít, phải đăng ký, phải chầu chực mới có khả năng)... đã vô tình tạo nên cơn “sốt” vắc xin và khi có hiện tượng “sốt” thì càng kéo theo nhiều người tham gia hơn nữa. Thậm chí có nhiều người còn đem con sang Singapore để tiêm chủng cho được loại vắc xin này. 
Sự việc này còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác nữa đó là gây nên tâm lý bất an, tủi thân cho những bà mẹ không đủ điều kiện để tiêm chủng vắc xin dịch vụ, thậm chí họ có thể nảy sinh tâm lí e ngại với vắc xin ở điểm tiêm chủng mở rộng miễn phí. Và tâm lý muốn được “hơn người” của phần lớn người Việt còn biểu hiện ở nhiều lĩnh vực khác. 
Các bà mẹ trẻ ngày nay, mọi việc ăn uống của con đều phụ thuộc quá nhiều vào việc các mẹ rỉ tai nhau loại sữa nào, hoa quả nhập ở đâu, rau sạch ở đâu, ngày ăn bao nhiêu bữa... Và đồ ăn nhất định phải vào các trung tâm thương mại, các cửa hàng nhập khẩu. Và thực tế, một đứa trẻ ở độ tuổi ăn dặm, một ngày chỉ quay cuồng với lịch ăn theo... giờ, và quá căng thẳng vào chuyên môn “ăn gì, uống gì” đó... Thế nên, việc các mẹ khác  tiêm chủng liều cao được cho con thì mình cũng “nhất định” tiêm được là điều dễ hiểu.
Bác sĩ Huỳnh Phước Sang tốt nghiệp chuyên ngành đa khoa, hiện là Chuyên viên tư vấn cao cấp các dự án đầu tư phát triển y tế và các mô hình xã hội hóa chia sẻ: Điều đáng nói là loại vắc xin tương tự trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là vắc xin Quinvaxem vừa miễn phí, vừa đầy đủ thì lại bị người dân thờ ơ. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về sự an toàn của loại vắc xin này, đặc biệt ở các địa phương, vùng quê đã biến Quinvaxem, loại vắc xin được Chính phủ Việt Nam lựa chọn để tiêm chủng mở rộng (miễn phí) thành chất độc hại chết trẻ.
Ông khuyến cáo: Việc chen lấn giành nhau liều vắc xin đắt tiền hiện nay vẫn chưa là nguy hiểm, mà câu chuyện sẽ còn tiếp diễn là hàng triệu bà mẹ không có tiền sẽ không muốn cho con mình đi chích loại miễn phí rẻ tiền vì tủi thân, điều đó sẽ dễ dàng bùng lên dịch bệnh! Tùy các bạn lựa chọn cho con mình. Đừng vì khoe mẽ mà chạy theo phong trào chích dịch vụ, rồi chích trễ này kia hại chết con mình vì tính bề ngoài bầy đàn”.
Và những đứa trẻ “ganh đua”
Thực tế, không chỉ thức suốt đêm, xếp hàng chực chờ tiêm vắc xin cho con, nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội cũng từng thức chờ cả đêm để nộp hồ sơ cho con vào học được ở các trường điểm vào mỗi mùa tuyển sinh. Cao điểm như hồi năm 2012, trong suốt mấy ngày các bậc cha mẹ chầu chực trước cổng trường, thậm chí đội cả mưa để chờ nộp được hồ sơ cho con mình có suất học tại Trường Thực Nghiệm. 
Lý do vào trường này là bởi đây là ngôi trường GS Ngô Bảo Châu đã từng học. Đến giờ mở cửa nhận hồ sơ, các bậc phụ huynh phải chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau và làm sập... cổng trường. Lực lượng chức năng đã phải đến để hỗ trợ nhà trường, đảm bảo an ninh trật tự tại đây. Lo sợ người dân ồ ạt đẩy cửa xông vào, công an cùng bảo vệ chỉ mở một khe cửa nhỏ cho từng người vào một.
Rồi nữa, tình trạng chờ nộp hồ sơ cho con đi học thường diễn ra phổ biến nhất tại các trường mần non ở Hà Nội vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, tình trạng này cũng diễn ra đối với nhiều trường trung học như Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh. 
Hồi năm 2010, để xí chỗ vào trường cho con, hàng trăm phụ huynh đã đặt gạch xếp chỗ tại 2 cơ sở của trường từ tối 19 đến sáng 20/7, chờ nộp hồ sơ. Thậm chí, có nhiều người còn thay phiên nhau đến trực. Một phụ huynh khác trú ở Nhật Tân, Hà Nội còn thuê nhà nghỉ trên đường Cầu Giấy để chủ động về thời gian “canh” chỗ.
Có lẽ chúng ta đừng hỏi vì sao trẻ em và giới trẻ dễ dàng giơ nắm đấm. Những đứa trẻ sẽ lớn lên ra sao khi người lớn luôn bằng mọi giá, cái gì người khác có mình cũng phải có? Và sự vô cảm, giá trị vật chất lên ngôi cũng là vì thế...

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.