Bởi lẽ, trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thì Dự thảo Luật có những nội dung mang tính đột phá nhằm thực hiện cải cách hành chính, giảm bớt các giấy tờ không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác hộ tịch.
Khắc phục tình trạng lợi dụng cải sửa hộ tịch để gian lận
Bên cạnh vai trò và tầm quan trọng đối với quản lý nhà nước và xã hội, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thời gian quan đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó nổi lên là chất lượng công tác đăng ký hộ tịch chưa cao, vẫn còn nhiều sai sót, nhất là tình trạng lợi dụng đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước có dấu hiệu gia tăng; hiệu quả công tác quản lý hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhiều trường hợp cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch không nắm được đầy đủ dữ liệu hộ tịch cá nhân. Công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ hộ tịch tuy đã được quan tâm song vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết các yêu cầu hộ tịch; phương thức đăng ký hộ tịch còn mang tính thủ công…
Những bất cập, yếu kém này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, làm giảm hiệu quả quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội. Trên phương diện quốc tế, trong nhiều trường hợp, giấy tờ hộ tịch chưa có sự tin cậy cao đối với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Một số nước chưa tin tưởng giấy tờ hộ tịch của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, việc ban hành Luật Hộ tịch là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, nhất là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Dự thảo Luật Hộ tịch xác định rõ 3 loại việc hộ tịch phổ biến, đã và đang phát sinh trên thực tế cần được đăng ký, gồm: Xác nhận các sự kiện hộ tịch như sinh, tử, kết hôn và các sự kiện khác; ghi vào sổ những việc dẫn đến thay đổi tình trạng hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như xác định lại dân tộc, giới tính, quyết định về quốc tịch, nuôi con nuôi; ghi vào sổ những việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Dự thảo Luật còn quy định rõ việc miễn lệ phí đối với mọi trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, giám hộ, đồng thời quy định việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi trong nước của người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng được miễn lệ phí...
Khác với quy định hiện hành về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và Sở Tư pháp trong đăng ký các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài, theo Dự thảo Luật thì đăng ký việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. UBND cấp huyện cũng sẽ đăng ký, xác định lại dân tộc; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người trên 14 tuổi. UBND cấp xã đăng ký các sự kiện hộ tịch còn lại.
Tuy nhiên, thẩm tra Dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn việc cải sửa hộ tịch nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng cải sửa để gian lận như khai tăng, giảm tuổi để được nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài thời gian công tác, trốn nghĩa vụ quân sự, trốn truy nã... cũng như xác định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác quản lý, đăng ký hộ tịch nhằm hạn chế việc vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước để trục lợi như chết không khai tử để tiếp tục hưởng chế độ.
Số định danh cá nhân có thực sự ổn định hàng trăm năm?
Một trong những nội dung mang tính đột phá của Dự thảo Luật là quy định về cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Theo Đề án 896, từ ngày 1/1/2016 sẽ cấp số định danh cho cá nhân và hoàn thành việc này đến hết năm 2020. Quan điểm của Bộ Tư pháp cho rằng, Giấy khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi là “vật” mang số định danh cá nhân và khi đủ 14 tuổi trở lên thì số đó sẽ là số căn cước công dân.
Khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp - Hộ tịch cập nhật nội dung đăng ký khai sinh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để lấy số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân được ghi vào Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh và bất kỳ lúc nào làm các thủ tục liên quan đến hộ tịch, người dân chỉ cần thông báo số định danh cá nhân.
Đánh giá cao vai trò của số định danh cá nhân trong công tác quản lý dân cư trong quá trình thảo luận về Dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định: Việc quy định về số định danh là xuất phát từ mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân theo nguyên tắc Nhà nước là một thể thống nhất nên việc quản lý dân cư phải tập trung; các cơ quan nhà nước phải cùng sử dụng thông tin công dân, không yêu cầu công dân phải khai đi khai lại thông tin bản thân mỗi khi đến cơ quan nhà nước. Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị phải nghiên cứu kỹ để xâu chuỗi công tác quản lý hộ tịch và căn cước thông qua việc quản lý, cấp số định danh cá nhân.
Còn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Trịnh Xuyên phân tích, số định danh cá nhân được tích hợp trong thẻ Căn cước công dân (quy định theo Dự thảo Luật Căn cước công dân) đã được nâng từ 9 số lên 12 số. Có điều, ông Thanh bày tỏ băn khoăn, 12 số này nếu tính khoa học thì liệu có đảm bảo về lâu dài mấy chục năm đến hàng trăm năm nữa không vì mỗi công dân chỉ có 1 mã số suốt cả cuộc đời. “Cần tính toán mở rộng để bảo đảm tính lâu dài, ổn định, tránh sự tốn kém”, ông Trịnh Xuyên đề xuất.
Chưa bỏ Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn
Cùng với việc đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Dự thảo Luật Hộ tịch có những quy định mang tính cải cách về thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch (từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục) và cắt giảm giấy tờ khi yêu cầu đăng ký hộ tịch. Ngoài việc xuất trình thẻ Căn cước công dân có Số định danh cá nhân, người yêu cầu đăng ký hộ tịch về cơ bản chỉ phải nộp văn bản yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân là khai sinh, kết hôn, Dự thảo Luật quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
“Qua thực tiễn công tác đăng ký và quản lý hộ tịch từ nhiều năm nay cho thấy, đối với một số sự kiện hộ tịch quan trọng là khai sinh, kết hôn, thì việc lưu giữ và sử dụng bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn là nhu cầu thực tế của người dân. Đặc biệt, với ý nghĩa là loại giấy tờ đầu tiên được cấp cho một người từ khi mới sinh ra, Giấy khai sinh có vai trò quan trọng trong việc giúp xác định một cách chính xác các thông tin cơ bản của cá nhân (như họ và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; dân tộc; quốc tịch; họ và tên cha, mẹ...) và làm cơ sở cho việc cấp phát các giấy tờ khác của cá nhân về sau như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ...”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lý giải.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với đề nghị trên là cần duy trì việc cấp Giấy khai sinh để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công dân và để công dân thực hiện các quyền cơ bản như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, đi lại.
Ngoài ra, liên quan đến việc đơn giản hóa các giấy tờ về hộ tịch khác, Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần rà soát lại các loại giấy tờ tùy thân hiện nay để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp và từng bước loại bỏ. Bên cạnh đó, để việc đơn giản hóa các giấy tờ và thủ tục hành chính cho công dân đạt kết quả (giảm 21/46 thủ tục hành chính và bỏ hầu hết các giấy tờ về hộ tịch) thì còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hoàn thành của việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đặt ra trong Đề án số 896.
“Điều quan trọng là Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện đúng hoặc sớm hơn lộ trình hoàn thành Đề án này, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương thì mới có thể loại bỏ được giấy tờ, thủ tục không cần thiết trong công tác quản lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.