Xuất bán lô hàng ba ba thương phẩm nuôi trong ao, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản bị tịch thu hàng vì bị cho rằng bán ba ba là buôn bán… động vật rừng hoang dã.
"Động vật rừng" được nông dân nuôi trồng trong... ao nhà. Ảnh minh họa |
Ba ba là… động vật rừng?
Công ty TNHH Tiên Hậu có trụ sở tại huyện Hóc Môn, TP HCM là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và mua bán các loại thủy sản. Tháng 9/2011, doanh nghiệp này ký hợp đồng mua bán khoảng 2 tấn ba ba thương phẩm của ông Trần Đình Toàn, một gia đình có đăng ký nuôi trồng ba ba trơn (tên khoa học Tryonix sinensis). Lô hàng được xuất bán cho một doanh nghiệp tại Hà Nội.
Lô hàng được vận chuyển theo đường bộ đi Hà Nội. Ngày 14/9/2011, khi xe chở hàng đến địa phận Quảng Bình thì bị lực lượng kiểm lâm cơ động tỉnh Quảng Bình kiểm tra, lập biên bản về hành vi “vận chuyển trái phép động vật rừng” đồng thời thu giữ lô hàng. Chi Cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã thành lập hội đồng thẩm định để xác định chủng loại vật bị tạm giữ. Kết quả, hội đồng thẩm định đã kết luận, gần 600 kg hàng hóa bị tạm giữ là ba ba trơn.
Sau khi xác định rõ ràng lô hàng của Cty Tiền Hậu là ba ba trơn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình xử phạt hành chính lái xe và chủ hàng về hành vi vận chuyển trái phép động vật rừng, với số tiền phạt mỗi người lên đến 250 triệu đồng; tịch thu toàn bộ lô hàng và giữ phương tiện để đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt. Đề nghị này được chấp nhận bằng Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2631/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
Làm đúng luật, vẫn bị phạt
Cả lái xe lẫn chủ hàng ngỡ hàng trước quyết định xử phạt hành chính vì họ không thể tin được lô hàng thủy sản mà Cty Tiền Hậu mua bán có nguồn gốc rõ ràng lại bị coi là “động vật rừng” nên đã khởi kiện quyết định xử phạt.
Theo đơn khởi kiện, lô hàng ba ba trơn mà Cty mua của chủ trại ba ba Trần Đình Toàn không phải là “động vật rừng” mà là thủy sản. Căn cứ xác định ba ba trơn là thủy sản được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt là quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý lực lượng kiểm lâm. Theo đó, tại Quyết định 57/2008/QĐ-BNN ngày 2/5/2008 và Thông tư 80/2007/TT-BNN ngày 24/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định ba ba là thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh.
Hơn thế, tại Quyết định 337/QĐ-BKH-ĐT ngày 10/4/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nuôi ba ba là loại hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt được xếp mã ngành 03222. Như vậy, sản xuất và buôn bán ba ba thương phẩm chính là sản xuất, kinh doanh… thủy sản.
Trong quá trình kinh doanh lô hàng, Cty Tiền Hậu đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, như có đăng ký kinh doanh, có hợp đồng mua bán hàng hóa với tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản hợp pháp. Vì vậy, việc làm hợp pháp của doanh nghiệp này lại bị xử phạt với mức độ có thể làm cho doanh nghiệp “khuynh gia bại sản”.
Kinh doanh mặt hàng pháp luật cho phép, với các thủ tục đáp ứng quy định của pháp luật, Cty Tiền Hậu liệu có được Tòa án bảo vệ trước quyết hành chính thiếu căn cứ hay không khi mà việc thắng kiện trong các vụ án hành chính đang còn là chuyện hy hữu? Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này trong thời gian tới.
Về vụ việc này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Bắc Ninh về vấn đề này: Thưa Luật sư, cơ quan xử phạt cho rằng ba ba trơn là “động vật rừng”, theo ông, quan điểm này có căn cứ pháp luật hay không? - Ba ba các loại là loài lưỡng cư, sinh sống tự nhiên tại sông, ngòi, ao hồ và được nuôi trồng trong các trang trại thủy sản phân bố khắp Việt Nam. Thực tế là ba ba sống tự nhiên ở sông ngòi nơi có rừng và sông, ngòi, ao hồ nơi không có rừng. Hiện tại, chỉ có một số lượng ít ba ba sống tự nhiên. Về phương diện pháp lý, ba ba là loài động vật hoang dã hiện nay đã được nuôi trồng với tính chất là một loài thủy sản nước ngọt. Theo quy định của pháp luật của pháp luật, tổ chức, cá nhân được phép nuôi và kinh doanh ba ba thương phẩm với tính chất là ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản. Vì thế, kết luận ba ba là động vật rừng là không chính xác, kết luận không đúng về nguồn gốc của loài động vật này cũng như quy định của pháp luật về việc sản xuất, kinh doanh loại thủy sản có giá trị thương mại cao này. Với đặc thù trên, khi nào ba ba là động vật rừng, và khi nào ba ba là thủy sản, thưa ông? - Nếu nói việc khai thác, vận chuyển ba ba có nguồn gốc khai thác tại sông, suối, hồ đập nơi có rừng là “lâm sản” thì có thể tạm chấp nhận vì ít nhất, đó là sản phẩm có nguồn gốc từ rừng. Muốn kết luận lô hàng đó là lâm sản, cơ quan chức năng phải có căn cứ xác định con ba ba hoặc lô hàng ba ba đó có “xuất xứ” từ rừng. Nhưng, đối với những con ba ba được nuôi tại các trang trại, ao hồ do tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật là “lâm sản” thì không thể chấp nhận được. Tôi ví dụ, cá là loài động vật hoang dã, cũng là vật nuôi. Bắt cá ở suối trong rừng thì có thể bảo đó là “lâm sản”, nhưng đánh bắt cá dưới ao thì không thể nói là lâm sản mà phải là thủy sản. Cơ quan kiểm lâm cho rằng, ba ba “nuôi nhốt” nhưng không có giấy tờ thì vẫn là “lâm sản”, ông đánh giá thế nào về quan điểm này? - Ba ba không phải là động vật thuộc nhóm cấm khai thác, sử dụng (1B) hay hạn chế khai thác, sử dụng (2B) mà là loại động vật được phép sản xuất, nuôi trồng và mua bán không hạn chế. Do đó, nếu tổ chức, cá nhân đăng ký nuôi trồng thì có có quyền sản xuất và kinh doanh theo quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản. Khi mua bán, vận chuyển loại động vật này, tổ chức cá nhân phải đảm bảo có đủ các loại giấy tờ xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để chứng minh đó là hàng có nguồn gốc hợp pháp là đủ. Nếu kiểm lâm bắt quả tang tổ chức, cá nhân khai thác ba ba trong rừng thì việc xử lý có thể chấp nhận được. Nhưng doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng ô tô, có xuất xứ hàng hóa rõ ràng mà vẫn bảo là thủy sản là “lâm sản” thì rõ ràng là suy diễn chủ quan, thiếu căn cứ pháp luật. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh