“Ăn” được… thuốc bảo vệ thực vật
Trong 10 tháng năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 4.891 vụ liên quan đến phân bón thì phát hiện 1.522 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 61,42 tỷ đồng. Qua kiểm tra đã xử lý 515 vụ, xử phạt hành chính trên 1,5 tỷ đồng.
Các hành vi chủ yếu là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên nhãn có thông tin không đúng sự thật; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; thuốc BVTV không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc có tên trong danh mục bị cấm sử dụng; kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Chưa kể, hiện Việt Nam có tới 1173 loại hoạt chất (trong tổng số 1700 loại đã ban hành trong danh mục 2016) dùng để sản xuất ra hơn 4.000 loại hóa chất BVTV thương phẩm được cho phép lưu hành chỉ để phòng ngừa 1.200 loại côn trùng có hại và vài chục loại bệnh, trong khi các nước phát triển chỉ cho phép sử dụng khoảng 400 loại hoạt chất.
Trước thực trạng đó, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Công nghệ ETC thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, từ năm 2013 đã phát triển thành công hai loại sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên không độc hại là đường hoạt tính (Basug) và muối ăn hoạt tính (Basalt).
Đường ăn và muối ăn sau khi được xử lý có khả năng thay thế các loại hóa chất kích thích tăng trưởng và chống sâu bọ có hại cho cây trồng, mà không cần đầu tư và thay đổi quy trình canh tác truyền thống của nông dân.
Theo ông Nguyễn Minh Việt, Giám đốc Trung tâm, Basug có khả năng tăng cường tự đề kháng cho cây trồng, làm cho bộ rễ phát triển mạnh, khả năng quang hợp cao nhờ vậy cây khỏe mạnh, ít bệnh tật. Basalt lại khác với hóa chất BVTV thông thường làm cho côn trùng và sâu bọ chết ngay, muối ăn này giúp xua đuổi sâu bọ, côn trùng phá hoại hoặc làm chúng bỏ đi rồi chết.
Sau khi đã được xử lý và sản xuất, muối và đường thành thuốc BVTV cho cây trồng không có mùi, không độc hại, không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, môi trường. Cách sử dụng cũng vô cùng dễ dàng, có năng suất cao, tối thiểu là 15-20%.
“Đây là thuốc chống sâu bệnh, kích thích cây rau quả phát triển nhưng lại có thể “ăn” được, không gây nguy hại tới sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi thường nó gọi là thực phẩm chức năng cho cây trồng của bà con nông dân”, ông Việt nói.
Tốt nhưng còn bỏ ngỏ
Sau 4 năm khảo nghiệm trên đồng ruộng thực tế tại các địa phương ở Thanh Trì và Ba Vì (Hà Nội), hai loại “thực phẩm chức năng” này đã giúp kéo giảm dư lượng thuốc BVTV trên các sản phẩm rau màu xuống thấp hơn rất nhiều so với quy định cho phép. Năng suất nông sản tăng 15-30% trên cây lúa, 150-180% trên cây cà chua, 12-15% trên rau ăn lá, 60% trên cây bắp cải. Chất lượng nông sản được nâng cao, có độ tươi non hơn, rau củ quả ăn có hương, phẩm vị tự nhiên. Thời gian bảo quản trong điều kiện thông thường cũng cao hơn so với rau sử dụng hóa chất BVTV.
Nói về hiệu quả của hai loại thước này, ông Nguyễn Xuân Ngọ (thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, thu nhập của gia đình ổn định dần từ ngày dùng Basug, Basalt để phun cho 5 sào rau. “Tôi dùng muối và đường ăn hoạt tính được 4 năm. Dù thời gian được thu hoạch lâu hơn nhưng rau của gia đình lúc nào cũng đạt năng suất cao nên luôn giữ được giá kể cả chính vụ hay trái vụ, quan trọng rau có bảo hành. Tuy nhiên, 2 loại thuốc này không loại trừ được tất cả những loại sâu bệnh nên tôi còn sử dụng cả loại tự chế từ ớt, tỏi, sả, rượu để phun cho rau đạt hiệu quả cao nhất”, ông Ngọ chia sẻ.
Sử dụng muối và đường hoạt tính sau ông Ngọ 2 năm, nhưng chè của gia đình anh Nguyễn Hoàng Vững (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) có chất lượng cao hơn hẳn so với trước đây. Theo anh Vững, sau khi được Trung tâm ETC hỗ trợ và đem đi kiểm tra, hiện nay chè của gia đình luôn đạt độ an toàn cao, dư lượng thuốc BVTV dưới mức cho phép rất nhiều lần. Chính vì vậy, giá chè của gia đình bán ra cao gần gấp rưỡi so với chè của người dân quanh vùng. Chè khô loại I giá 250.000 đồng/kg, chè khô loại II có giá 150.000 đồng/kg, chè khô loại III có giá 80.000 đồng/kg, quan trọng chè luôn được bảo hành.
“Sản lượng thì thấp hơn so với những hộ gia đình phun thuốc trừ sâu bệnh khoảng 5%, nhưng chất lượng và giá thì luôn gấp đôi, vì vậy tôi thấy đó cũng là điều đáng mừng. Quan trọng bảo vệ được sức khỏe của chính bản thân và người mua. Đó là cái tâm”, anh Vững nói.
Tuy hai loại thuốc này kích thích cây trồng phát triển, an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường nhưng vì những hạn chế của nó như: mất công chăm sóc, thời gian được thu hoạch lâu hơn, không diệt trừ hoàn toàn được sâu bệnh,… và trước những thuốc giúp cây phát triển “thần tốc”, năng suất “khủng” nên người nông dân không mặn mà với sản phẩm này. Hiện nay, số lượng gia đình sử dụng sản phẩm này là rất ít.