Phụ nữ ở khu vực phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng
Ở Hà Nội rất dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ đi thu mua đồng nát. Phần lớn họ là những người phụ nữ nghèo, ở các huyện ngoại thành hay từ các tỉnh quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Ðịnh... lên Thủ đô mưu sinh.
Ðồ nghề chỉ vỏn vẹn gồm chiếc xe đạp cũ hay đôi quang gánh, vài bịch ni lông hay bao tải rác to tướng được cột vào yên xe, chiếc nón mê và một chiếc cân. Cuộc hành trình kiếm sống của họ bắt đầu từ khi trời tờ mờ sáng và kết thúc khi đêm muộn. Phế liệu thu mua, nhặt nhạnh được phân thành từng loại và bán lại cho các chủ xưởng tái chế rác thải.
Làm việc ở khu vực phi chính thức nên những người phụ nữ thu mua đồng nát này luôn là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề khi “sức khỏe” nền kinh tế suy giảm. Tháng 1/2021, kết quả nghiên cứu “Lao động phi chính thức trong đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó” đã được công bố cho thấy nhóm đối tượng là nữ giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên bốn khía cạnh: việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình.
Theo đó, 76,7% số lao động phi chính thức được khảo sát là những lao động không có hợp đồng lao động, làm các công việc thời vụ, không có hộ khẩu thường trú, dẫn đến việc khó khăn trong công tác thực hiện bảo trợ y tế, xã hội và bảo trợ lao động thất nghiệp.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ thuộc nhóm lao động phi chính thức làm các nghề như thu mua đồng nát, bán hàng rong… phải chịu nhiều gánh nặng cung cấp thu nhập chính cho gia đình trong bối cảnh đại dịch.
Trong khi đó, nhóm nữ giới này thường thực hiện các “công việc không lương” như: chăm sóc gia đình, nội trợ,… cộng thêm áp lực kinh tế, việc làm trong bối cảnh dịch bệnh dễ dẫn đến xung đột quan hệ giới và làm gia tăng bạo lực gia đình.
Cũng tại cuộc công bố kết quả nghiên cứu, có một quan điểm rất được chú ý của nhà báo Tạ Việt Anh, đại diện Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV). Đó là kể từ khi bùng phát đến nay, đại dịch Covid-19 đã tái định hình về vai trò của lao động phi chính thức trong nền kinh tế, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong quá trình dẫn dắt cộng đồng và xã hội vượt qua đại dịch.
Đảm bảo tính nhạy cảm giới trong ứng phó biến đổi khí hậu
Quan điểm tương tự một lần nữa được nhấn mạnh khi tháng 5/2021 lần đầu tiên Việt Nam công bố việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và bao trùm xã hội vào bản “Kế hoạch đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) cho Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tháng 9/2020. Việc này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia trên thế giới coi bình đẳng giới như một nội dung xuyên suốt trong NDC của mình.
Một trong những phát hiện chính của báo cáo là nam giới và phụ nữ có năng lực khác nhau trong tư cách là người sử dụng tài nguyên và đóng góp vào việc thực hiện các chính sách về khí hậu. Thế nhưng hiện nay, trong ngành nông nghiệp, sự phân công lao động theo giới trong ngành và các trách nhiệm khác do phụ nữ đảm nhận do các chuẩn mực giới đã ngăn cản họ tham gia tích cực vào việc đưa ra các quyết định trong và ngoài hộ gia đình.
Trong ngành quản lý nước, nhiều chính sách quốc gia coi phụ nữ là một trong những nhóm dễ bị tác động và phần lớn vẫn coi phụ nữ là người thụ hưởng nên các chính sách hiếm khi tập trung vào phụ nữ như những nhân tố tiềm năng của sự thay đổi để bảo tồn tài nguyên nước. Trong ngành quản lý chất thải, 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ, những người có công việc không được pháp luật hiện hành công nhận vì họ được coi là một phần của khu vực kinh tế phi chính thức…
Những tồn tại “lệch giới” trong các lĩnh vực như thế dẫn đến năng lực ứng phó với biến đối khí hậu (BĐKH) của một quốc gia bị suy giảm. Việt Nam xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH với khoảng 70% dân số có nguy cơ gặp rủi ro từ các hiểm họa nhiên thiên. Thiệt hại do thiên tai ngày càng gia tăng trong những năm gần đây đã đặt ra yêu cầu về giảm nhẹ rủi ro cho cộng đồng, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
Sau khi phê chuẩn Thỏa thuận Paris về BĐKH, nhiều quốc gia đã đưa các chính sách khí hậu vào chiến lược phát triển của họ và bản “Kế hoạch thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định” nhằm triển khai Hiệp định.
Trong NDC của Việt Nam, khía cạnh giới được phản ánh ở hợp phần thích ứng. Theo đó, sự tham gia và hưởng lợi của phụ nữ từ các chương trình thích ứng và giảm thiểu là rất cần thiết. Ngoài việc tiếp cận thông tin, đào tạo, công nghệ và các nguồn tài chính khác, các sáng kiến tăng khả năng chống chịu BĐKH do phụ nữ sáng tạo và lãnh đạo cũng cần được đầu tư đúng mức…
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030. Với việc lồng ghép vấn đề giới vào hoạt động thích ứng với BĐKH thì nâng cao nhận thức và năng lực về các khía cạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là cấp thiết cho tất cả các ngành, lĩnh vực.