Vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Xin ông cho biết tỉnh đã có những kế hoạch gì để thực hiện thành công Nghị quyết trên.
- Nghị quyết 54 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54, trên cơ sở đó, Tinh ủy đã tổ chức hội nghị phiên bất thường để ban hành Chương trình hành động 69-CTr/TU, ngày 03/02/2020. Đồng thời, chỉ đạo UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ như: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về mô hình và phương thức phát triển đặc sắc của Thừa Thiên - Huế.
Khẩn trương hoàn thiện, trình các cơ quan quan có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát triển công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn trong tỉnh và nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch…
Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống với đổi mới, sáng tạo; giữa thành thị và nông thôn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và đặc thù riêng có của Thừa Thiên - Huế.
Thưa ông, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI có ý nghĩa quyết định sự phát triển của tỉnh nhà trong nhiệm kỳ tới; xin ông cho biết tỉnh đã thực hiện công tác quy hoạch và chuẩn bị nhân sự như thế nào?
- Phải khẳng định rằng, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong những năm tới. Để chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ, dân chủ, đúng yêu cầu tại Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương.
Trong đó: Tập trung làm tốt công tác đánh giá cán bộ; chỉ đạo rà soát quy hoạch cán bộ, lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Chú trọng quy hoạch chức danh người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hết sức coi trọng về tiêu chuẩn, nhất là căn cứ vào quy hoạch cấp ủy; phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới thực sự có đức, có tài, có triển vọng phát triển.
Trên cơ sở đảm bảo về tiêu chuẩn, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với các lĩnh vực và địa bàn trọng yếu; không vì cơ cấu mà châm chước hoặc hạ thấp tiêu chuẩn của cấp ủy viên.
“Đến nay, công tác quy hoạch và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã hoàn tất. Tỉnh ủy đã thông qua đề án công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI và được Bộ Chính trị phê duyệt”. Ông Hà nói.
Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp đến, ông có thể cho biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những góp ý gì cho dự thảo văn kiện Đại hội lần này?
- Qua tổng hợp ý kiến tham gia tại các hội nghị, của nhân dân và Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, có nhiều ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện của Trung ương rất tâm huyết. Trong đó, có một số nội dung góp ý cần quan tâm đó là: Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước qua 35 năm đổi mới.
Hầu hết ý kiến thống nhất cao với nhận định, đánh giá tổng quát về kết quả, hạn chế, khuyết điểm, những kinh nghiệm rút ra. Một số ý kiến đề nghị bổ sung về những hạn chế, khuyết điểm những nội dung như: “Công tác đánh giá, phân loại cán bộ có lúc, có nơi chưa đúng thực chất; quản lý cán bộ còn thiếu chặt chẽ, công tác đào tạo, tuyển chọn và sử dụng cán bộ chưa phù hợp”.
“Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chưa thật sự hiệu quả; việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt kết quả chưa cao.
Đề nghị nghiên cứu kỹ các ý kiến chuyên gia về kinh tế để đề ra một số chỉ tiêu cho phù hợp thực tế của đất nước như: Chỉ tiêu GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD; tỉ lệ đô thị hóa 45%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới 75%. Các chỉ tiêu trên là hơi cao, bởi vì trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn khó lường, gây ra nhiều tổn hại cho nền kinh tế, đời sống của người dân, nhất là vùng nông thôn còn nghèo, thu nhập bình quân còn thấp.
Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, cần sớm ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với miền núi và dân tộc thiểu số”; định hướng thứ (6), cần bổ sung nội dung: “quản lý chặt chẽ và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên quốc gia”. Định hướng thứ (10), cần bổ sung nội dung: “Xử lý nghiêm và có kết quả các vụ án tham nhũng, trọng án lớn để tạo niềm tin của nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội”...
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có ý kiến đề nghị Trung ương cần có chính sách vay vốn đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế làng nghề, xử lý ô nhiễm môi trường. Có giải pháp giải quyết tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu nguồn nhân lực trong xã hội.
Tập trung đầu tư cho những lĩnh vực nền tảng như giáo dục. Sớm nghiên cứu tìm giải pháp để xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!