Thừa Thiên - Huế: 'Giải cứu' cầu xây xong nhưng thiếu đường dẫn

Cầu Lợi Nông xây xong nhưng thiếu đường dẫn.
Cầu Lợi Nông xây xong nhưng thiếu đường dẫn.
(PLVN) - Cầu bắc qua sông Lợi Nông (cầu Lợi Nông) thuộc địa phận phường An Đông, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) được duyệt kinh phí đầu tư xây dựng 32 tỷ đồng; thế nhưng, sau khi xây xong, cầu vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do không có đường dẫn. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định điều chỉnh tăng mức đầu tư dự án lên hơn 100 tỷ đồng.

Cầu Lợi Nông nối từ đường 26m khu nhà ở An Đông sang đường 100m, khu A, khu đô thị mới (ĐTM) An Vân Dương được khởi công xây dựng từ năm 2018, với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng; trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 6 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2020 hoàn thành.

 Dự án xây dựng cầu Lợi Nông do Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, liên danh Công ty Cổ phần Cầu 1 Thăng Long và Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên - Huế đảm nhiệm thi công.

Quy mô công trình vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, cầu 1 nhịp chiều dài hơn 40m, bề rộng mặt cầu theo quy hoạch 24m, đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 rộng 10m, cùng với xây dựng mới hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, trồng cây xanh, an toàn giao thông trên toàn tuyến đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ quan đô thị.

Sau khi xây xong các hạng mục cơ bản của cây cầu nhưng cầu vẫn không thể đưa vào sử dụng vì thiếu đường dẫn nối hai đầu cầu, gây khó khăn trong việc đi lại. Theo Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế (chủ đầu tư) cho hay, đến nay, cầu bắc qua sông Lợi Nông đã hoàn thành cơ bản phần thô hạng mục cầu và hạng mục kè đá với khối lượng đạt 16,34 tỷ đồng nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu đường dẫn lên cầu.

Cầu chưa đấu nối được là do ảnh hưởng bởi điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Tôn Quang Phiệt từ 19,5m thành 13,5m (tuyến đường này giao với đường hai đầu cầu và đường mặt cắt 24m của dự án) và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/02/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu A, khu ĐTM An Vân Dương, nên phải điều chỉnh phạm vi một số vị trí cho phù hợp với quy hoạch điều chỉnh.

Trước tình hình đó, để sớm phát huy hiệu quả công trình, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất cần thiết phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự án phù hợp tình hình thực tế. Việc điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 100 tỷ đồng (tăng hơn 68 tỷ đồng), trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (tăng hơn 24,7 tỷ đồng) và mở rộng mặt cầu hoàn chỉnh 24m theo quy hoạch được duyệt (gần 34 tỷ đồng).

Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét thấy, đây là dự án có tính chất quan trọng, cấp thiết, cử tri đã phản ánh nhiều lần. Vì vậy, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đồng tình với đề xuất điều chỉnh của UBND tỉnh. Ban đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm; quá trình thiết kế điều chỉnh dự án cần khảo sát, bám sát tình hình thực tế, tuân thủ các tiêu chí, chỉ tiêu theo đồ án quy hoạch đã được duyệt.

Đồng thời, việc điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định, cân đối ngân sách để bố trí vốn, tổ chức phân kỳ đầu tư hợp lý trong từng giai đoạn.

Thời gian thực hiện dự án sau khi điều chỉnh đến hết năm 2023. Năm 2020-2021 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành hạng mục đường dẫn hai đầu cầu và công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu cho phần mở rộng cầu; năm 2021-2022 sẽ thi công hoàn thành phần cầu mở rộng.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.