Số lượng hồ được kiểm định còn thấp
Toàn tỉnh Thừa thiên - Huế có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy 330,2MW. Đối với 56 hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra trực quan, ông Phan Thanh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) cho biết, chưa phát hiện sự cố lớn, các công trình đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, số lượng hồ đã đến thời hạn kiểm định cần thực hiện 53/56 hồ (trừ hồ Tả Trạch và hồ Thủy Yên) nhưng chưa được kiểm định do khó khăn về kinh phí. Bên cạnh đó, một số hạng mục phụ trợ bị hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí đã xuống cấp… cũng chưa có kinh phí khắc phục.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp máy 112,5MW. Theo quy định các hồ chứa Thủy lợi và thủy điện đều bắt buộc phải xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp khi có sự cố vỡ đập, tuy nhiên đến nay tại Thừa thiên - Huế, mới chỉ có Thủy điện A Lưới có phương án ứng phó khi có sự cố, các hồ còn lại chưa xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp khi có sự cố vỡ đập; chưa xây dựng bản đồ ngập lụt theo các cấp báo động và kịch bản điều tiết hồ chứa.
Ông Dương Đức Hoài Khánh - Giám đốc Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Thừa thiên - Huế cho biết, vừa qua, một số hồ thủy lợi đã được đơn vị thực hiện kiểm định như: Hòa Mỹ, Hồ Truồi, Khe Ngang…Hiện tại, đơn vị đang quản lý 14 hồ, trong đó có nhiều hồ thủy lợi lớn, lớn nhất là hồ Truồi với dung tích 55 triệu m3 nước.
Tuy nhiên, có một số hồ dù đã đến hạn nhưng chưa được kiểm định do đang chờ xin kinh phí. “Hiện có 8 hồ thủy lợi gồm: Phú Bài, Năm Lăng, Thiềm Cát, Tà Rinh… có dấu hiệu xuống cấp hoặc một số hạng mục lâu nay chưa được đầu tư như đường cứu hộ, thân đập, đường đi vào hồ. Để đảm bảo an toàn hồ đập, hiện 8 hồ này đang từng bước được xây dựng phương án nâng cấp theo vốn của Trung ương” - ông Khánh thông tin thêm.
Đẩy mạnh xây dựng phương án ứng phó khi có sự cố
Chiều 2/8, tại buổi làm việc về công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy điện, thủy điện trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, từ sự cố vỡ đập ở Lào vừa qua, có thể nói rằng không có điều gì là không thể xảy ra. Vậy nên yêu cầu BCH PCTT & TKCN cần phải có dự báo tình hình thời tiết chính xác và dự báo sớm để chủ động ứng phó.
Ngoài kinh nghiệm trong quản lý, vận hành các hồ chứa, thủy điện phải chủ động duy tu, bảo dưỡng, kiểm định chất lượng công trình đảm bảo quá trình vận hành an toàn. Các đơn vị phải xây dựng được phương án ứng phó khi có sự cố khẩn cấp như: động đất, vỡ đập và đẩy mạnh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó mưa lũ, kịp thời xử lý các tình huống bất thường…
Đồng thời, các chủ hồ chứa thủy lợi và thủy điện phải sớm lắp đặt hệ thống quan trắc, hệ thống camera và các hệ thống này buộc phải kết nối về trung tâm chỉ huy là Trung tâm điều hành đô thị thông minh của UBND tỉnh và BCH PCTT & TKCN, để trong mùa mưa bão, lãnh đạo tỉnh phải theo dõi được tất cả các thông số và hình ảnh.
Để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản, theo ông Phan Thanh Hùng, các chủ hồ đập nên đa dạng hình thức cung cấp thông tin đến người dân. Ngoài tăng thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện truyền thông, nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã về việc xả lũ, cần tận dụng lợi thế của mạng xã hội tạo sự lan tỏa thông tin.
Trường hợp thông tin bị gián đoạn, cần cảnh báo thông qua hệ thống loa cầm tay với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để cảnh báo trong những tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, cần tăng cường diễn tập công tác phòng chống lụt bão ở những vùng xung yếu.