Do cấp trên chậm cấp kinh phí
Huyện Quảng Điền là địa phương chịu ảnh hưởng nặng do DTLCP, như hộ bà Hoàng Thị Trang ở xã Quảng Thọ có 21 con lợn nái, lợn thịt đều bị dịch buộc phải chôn hủy, ước thiệt hại 35 triệu đồng. Từ khi có dịch đến nay, theo chủ trương của địa phương, hộ bà Trang cũng như người dân chưa thể tái đàn vì chưa công bố hết dịch, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Theo bà Trang, khi nghe có chính sách hỗ trợ kinh phí thiệt hại do DTLCP, nhiều hộ chăn nuôi lợn trong xã trông chờ nhưng đến nay vẫn chưa được nhận. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền sớm giải quyết chi phí hỗ trợ để người dân sớm tái sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo ông Hoàng Công Phong - Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tổng kinh phí thiệt hại do DTLCP tính đến ngày 29/10 trên địa bàn xã ước tính 2,5 tỷ đồng, nhưng đến nay địa phương mới được cấp hơn 180 triệu đồng.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh, các bộ, ngành liên quan với các địa phương mới đây, địa phương cũng đã kiến nghị tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí cho người dân có điều kiện tái đàn, thế nhưng đến nay vẫn chưa có.
Tính đến đầu tháng 11/2019, tại huyện Quảng Điền có 11 xã có DTLCP, tổng số lợn tiêu hủy 12.058 con. Ước tính tổng thiệt hại do DTLCP toàn huyện này khoảng 25 tỷ đồng. Qua 3 đợt cấp, huyện Quảng Điền mới nhận được khoảng 6 -7 tỷ đồng và đã chuyển về cho các địa phương tiến hành chi trả cho người dân. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, việc chậm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, người dân là do cấp trên chậm cấp kinh phí.
Tương tự, tại huyện Phong Điền, tính đến ngày 6/11, DTLCP vẫn đang diễn ra chưa chấm dứt, toàn huyện có 15 xã bị ảnh hưởng bởi DTLCP và đã tiêu hủy 22.721 con. Theo ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, địa phương có số lượng lợn bị dịch lớn nhất của tỉnh. Tổng số lợn thiệt hại được hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng, đến nay huyện đã tiến hành chi trả hơn 37 tỷ đồng (số tiền được Sở Tài chính cấp phát) cho người dân có lợn bị dịch phải tiêu hủy.
“Lỗi một phần do cơ sở”
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho rằng, việc chậm cấp kinh phí hỗ trợ cho người dân một phần do từ phía cơ sở (các huyện, thị xã và các địa phương).
Chẳng hạn, tính đến ngày 29/10, huyện Quảng Điền đã được cấp 6 -7 tỷ đồng nhưng mới triển khai hỗ trợ cho người dân hơn 1 tỷ đồng; huyện Phú Lộc được cấp 4-5 tỷ đồng nhưng mới hỗ trợ 2,7 tỷ đồng...
Cụ thể, theo quy định của Nhà nước, các đối tượng được hỗ trợ là người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do DTLCP.
Mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại là 25.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi. Các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có lợn buộc phải tiêu hủy do DTLCP quy định mức hỗ trợ thấp hơn.
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, đến nay, tỉnh đã cấp 3 đợt hỗ trợ DTLCP với kinh phí khoảng 66 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người dân, Sở Tài chính tỉnh cần khẩn trương, tiếp tục cấp phát kinh phí cho các huyện, thị xã, TP. Huế.
Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ kịp thời cho các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ. UBND cấp xã triển khai thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, thời điểm tiêu hủy và mức quy định; có sự giám sát của người dân, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi chính sách.