Người cuối cùng trong bộ tứ thứ hai (Nghiêm – Liên – Sáng – Phái) của nền mỹ thuật Việt Nam, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã kết thúc cuộc hành trình trong cõi nhân gian. Tôi tin rằng danh họa đã ra đi trong mãn nguyện, bởi ông là người hạnh phúc khi được vẽ, được yêu trọn vẹn xuyên hai thế kỷ.
Tình yêu tuôn trào trên ngón tay người nghệ sĩ
Sống trong số nhà 65 Nguyễn Thái Học (sau này được mệnh danh là Nhà nghệ sĩ) với các văn nghệ sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Mai Văn Hiển, Trần Đông Lương, Đỗ Nhuận…, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã bền bỉ sống, sáng tác trong căn phòng tầng ba có diện tích vỏn vẹn 9m2 , nơi chứa chất và ra đời hàng nghìn bức tranh, phác thảo, ký họa…
Có thể nói phần lớn các tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp đồ sộ của ông được ra đời trong căn phòng chưa đến chục mét vuông ấy: Con nghé quả thực, Nông dân đấu tranh chống thuế, Giao thừa hồ Gươm, Phá kho thóc của Nhật, Hai em bé, Trẻ em chơi, Điệu múa cổ, bộ tranh minh họa Kiều, bộ tranh con giáp…
Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá, nếu như Bùi Xuân Phái cho người xem cách cảm về hội họa (lãng mạn, bay bổng), Nguyễn Sáng là một người vẽ giỏi (kỹ thuật) thì Nguyễn Tư Nghiêm lại cho người xem cách nghĩ về hội họa (nội dung và cảm xúc). Điều đó để thấy, vị trí và vai trò của Nguyễn Tư Nghiêm trong nền hội họa Việt Nam là vô cùng lớn lao, với tư cách người mở đường cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
So với 3 danh họa trong bộ tứ: Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên, ông đã xác lập và hình thành một phương thức nghệ thuật độc đáo, mở ra con đường sáng tạo mang đầy bản sắc văn hóa Việt Nam và có tầm ảnh hưởng rộng lớn, bao phủ tới nhiều thế hệ họa sĩ. Mỗi khi nhắc đến Nguyễn Tư Nghiêm, giới làm nghề đều bày tỏ sự nể trọng và kính phục tài năng của ông, một danh họa uyên bác, thành danh nhưng khiêm nhường.
Một số tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. |
Nguyễn Tư Nghiêm nghiên cứu nhiều danh họa thế giới nhưng ông không ảnh hưởng ai, theo ai hay một trường phái nào. Xem tranh ông, cảm giác phảng phất cách tạo hình đơn giản, hiện đại của Matisse, Picasso nhưng vẫn là tranh Nguyễn Tư Nghiêm với mảng miếng khúc triết, đường nét khỏe khoắn, mạnh bạo, khoáng đạt được cách điệu theo nét hồn nhiên của điêu khắc đình, chùa dân gian Việt Nam.
Với phạm vi bó hẹp là chủ đề con giáp, một họa sĩ thông thường chỉ làm được 4 – 5 phác thảo đã cảm thấy “oải”, cạn dòng suy nghĩ thì Nguyễn Tư Nghiêm cứ miên man với hình mẫu ấy, hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm khác. Cho tới nay, chưa có một con số thống kê cụ thể ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh con giáp, bao nhiêu bức tranh lấy cảm hứng từ văn hóa cổ. Chỉ biết rằng, số lượng các bức tranh được công bố ít hơn rất nhiều so với con số thực ông đã vẽ.
Và chỉ chừng ấy bức tranh từng ra mắt đã đủ khiến người xem và giới mộ điệu nể phục trước sự sáng tạo vô bờ bến của Nguyễn Tư Nghiêm. Một lần đến thăm danh họa và được xem Nguyễn Tư Nghiêm cầm cục sáp màu vẽ tiên nữ đình làng, nhà nghiên cứu Bùi Như Hương đã bị ấn tượng mạnh cho tới tận hôm nay. “Từ khi đặt cục sáp xuống tờ giấy cho đến khi nhấc bút lên, ông không dừng lại một phút nào. Bố cục đã nằm trọn vẹn trong đầu ông và chỉ nhờ đôi bàn tay chuyển tải lên mặt tranh. Không tẩy xóa, không vẽ nét đứt đoạn, một nét liền từ đầu tới cuối ấy đúng là chỉ hạng kỳ tài mới có thể thực hiện được”, nhà nghiên cứu nhớ lại.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tự nhận mình không kiêu nhưng càng có tuổi ông càng tránh đám đông ồn ào, hiếm khi tiếp khách, ít ra ngoài và ngại giao tiếp. Ông sống ẩn mình ngay cả với giới mỹ thuật không đông đúc. Tuổi cao không phải là lý do mà là ông thực sự tiếc thời gian, khi đã hơn 90 tuổi, ông vẫn dành dụm từng buổi chiều để vẽ, tay ông viết có thể run nhưng nét bút trên toan vẫn thực sự khỏe khoắn, điều ấy chỉ có thể lý giải bởi tình yêu hội họa vẫn tuôn trào trên những ngón tay người nghệ sĩ.
“Tôi chỉ có tình cảm dành cho em”
Khi cả ba người bạn thân thiết nhất là Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái đã ra đi thì Nguyễn Tư Nghiêm vẫn sống cuộc đời độc thân. Là người nổi tiếng, quanh Nguyễn Tư Nghiêm lúc nào cũng có nhiều phụ nữ, là bạn, là học trò, người hâm mộ, người mẫu… nhưng ông không quan tâm nhiều tới ai. Có lần ông tâm sự với một đồng nghiệp trẻ lý do ông sống một mình là vì “ngại chia sẻ những điều mình nghĩ với phụ nữ”. Những người phụ nữ đến với ông có lẽ cũng biết được điều ấy, họ không kiên nhẫn đợi được vì thế chẳng ai quấy rầy lâu, có chăng chỉ dừng lại ở cuộc đời ông trong chốc lát.
Không ai ngờ, ở tuổi “xưa nay hiếm” trái tim ông lại rung động với Thu Giang, con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân, khi “cô cháu” muốn “chú” Nghiêm vẽ bức tranh chân dung khi mới từ Sài Gòn trở lại Hà Nội. Mối tình hiếm có này khởi nguồn từ mối quan hệ thân hữu của hai người. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng là “tay chơi”, ngông và kiêu bạc.
Người giỏi tất nhiên thích chơi với người tài, ông thân thiết với nhiều anh tài đủ các lĩnh vực, trong đó có Nguyễn Tư Nghiêm. Những năm tháng thời bao cấp, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thường qua nhà Nguyễn Tuân chuyện trò, chia sẻ mỗi khi sáng tác một tác phẩm mới. Bà Tuệ, vợ nhà văn cứ nấu món gì ngon ngon lại mời “chú Nghiêm” đến.
Ông bà Nguyễn Tuân sinh được 8 người con, Thu Giang là con út, đẹp và gắn bó với bố mẹ nhất. Từ trước tới giờ, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn coi Thu Giang là con cháu, chỉ đến khi Thu Giang nhờ ông vẽ chân dung rồi chăm sóc ông một cách vô tư và chu đáo, ông đã cảm động rồi rung động.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm lúc sinh thời và hồng nhan tri kỷ Thu Giang. |
Lời tỏ tình của danh họa với người phụ nữ kém ông tới 28 tuổi cũng thật mộc mạc, chân tình như chính con người ông: “Sinh lực tôi không còn, kiệt quệ rồi. Chỉ có tình cảm dành cho em” và ông cảm thấy may mắn khi bà nhận lời. Đó là vào năm 1992, khi danh họa đã bước sang tuổi 74. Ông đã đánh dấu thời điểm đặc biệt quan trọng này bằng một bức vẽ Thu Giang với dòng đề tựa “Kỷ niệm chỗ ở mới 1992”. Duyên mệnh nghệ thuật thật kỳ lạ, cuối cùng họ lại tìm thấy nhau và dành cho nhau 24 năm nồng ấm và viên mãn.
Sống với Thu Giang, danh họa rất mực tin tưởng, yêu thương và trân trọng người vợ trẻ không chỉ bởi bà giống cha ở tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và cũng “chịu chơi” như thế mà còn vì bà cũng là họa sĩ nên bà hiểu ông. Ông nói với vợ: “Tôi muốn làm bảo tàng tư nhân để lưu giữ các tác phẩm, tài liệu của mình. Tôi và em có trách nhiệm thực hiện chuyện này”.
Ông bà bán căn phòng 9m2 trong số nhà 65 Nguyễn Thái Học và nửa căn hộ được cấp thêm ở tầng 1 tập thể Trung Tự để dồn tiền mua nhà ở Phan Bội Châu. Tại căn nhà ấm cúng này, danh họa sáng tác bền bỉ hàng ngày. Còn bà âm thầm thu gom, sưu tập lại các tác phẩm của ông, tập trung sửa căn nhà của bố mẹ - ngôi nhà 4 tầng kiến trúc Pháp của gia đình nhà văn Nguyễn Tuân trên phố Trần Hưng Đạo để làm nhà lưu niệm, sau này trở thành Bảo tàng nhà văn Nguyễn Tuân và Bảo tàng tranh Nguyễn Tư Nghiêm.
Mặc dù đã ở thời điểm hoàng hôn cuộc đời nhưng họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẫn không ngừng vẽ. Những bức tranh ông đặc biệt thích đều đề rõ ở góc trái bức tranh bằng dòng chữ “Sưu tập Thu Giang”, đó là những bức tranh không bao giờ bán, dù bất cứ giá nào. Nhiều năm sau này, Nguyễn Tư Nghiêm chỉ quanh quẩn ở nhà vẽ, ông chắt chiu từng giọt thời gian. Khi chia sẻ với vợ, ông vẫn luôn đau đáu: “Quãng thời gian còn lại ngắn. Nghệ sĩ là kiếp tằm, phải nhả hết tơ”.
Và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã thanh thản nhả sợi tơ cuối cùng vào một ngày trung tuần tháng 6. Tôi tin danh họa đã ra đi trong mãn nguyện, bởi ông là người hạnh phúc khi được vẽ, được yêu trọn vẹn xuyên hai thế kỷ.