Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội có những tác phẩm âm nhạc được sáng tác, phổ biến ra công chúng nhưng không có chất lượng nghệ thuật, nội dung ca từ nhảm nhí, dung tục, tiêu đề nhạy cảm, sử dụng ca từ suồng sã... gây bức xúc dư luận. Thậm chí, có những sản phẩm dẫn dắt trào lưu tiêu cực, cổ súy cho các tệ nạn xã hội, lối sống bất cần... Những bài hát đó không chỉ phản cảm mà còn “đầu độc” người nghe, đặc biệt là giới trẻ.
Một ca khúc có hơn 1 triệu lượt xem trên YouTube, hàng triệu lượt tương tác trên TikTok, được lấy cảm hứng từ môn thể thao Pickleball được nhiều người yêu thích gần đây, đang bị khán giả nhận xét là thảm họa vì cho rằng ngôn từ vô nghĩa, nhạt nhẽo, thậm chí phản cảm. Hình ảnh, âm nhạc của sản phẩm này đang lan rộng rãi trên mạng xã hội theo hướng tiêu cực. Trước đó, một ca khúc “đình đám” của các ca sĩ C.Z và T.L có nội dung gây tranh cãi dữ dội về ca từ cũng phải gỡ bỏ trên Youtube.
Cần “tẩy chay” các sản phẩm âm nhạc thiếu chất lượng nghệ thuật. (Ảnh: AI) |
Hàng loạt MV bị “xóa sổ” trên nền tảng mạng xã hội chỉ sau một đêm khi bị công chúng chỉ trích cho là dung tục, phản cảm. Điều lo ngại là không chỉ có các ca sĩ trẻ, chưa có tên tuổi “tung” bài hát phản cảm, muốn gây sốc bằng những sản phẩm nhạc “rác” để được công chúng chú ý mà trong đó có cả những ca sĩ đã thành danh.
Đại diện Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết, trong Bộ quy tắc ứng xử chung dành cho nghệ sĩ có nội dung về việc “không sáng tác, sản xuất sản phẩm có nội dung vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật”. Bên cạnh đó là việc áp dụng với những quy định pháp luật hiện hành để xử lý. Các tác phẩm âm nhạc, nếu có sai phạm đều phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo có sửa đổi theo Nghị định 128/2022/NĐ-CP và Điều 3 của Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định những điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Trên thực tế, có không ít tác phẩm âm nhạc với nội dung thô tục, phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam bị Thanh tra Bộ VH,TT&DL xử phạt. Cụ thể, theo luật, hành vi phát hành những MV ca nhạc trái thuần phong mỹ tục có thể bị xử phạt tiền lên đến 40 triệu đồng, đồng thời bị buộc gỡ bỏ MV trên tất cả nền tảng đã phát hành.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ những ca khúc như này ảnh hưởng rất tiêu cực tới lớp trẻ bởi vì các bạn truyền bá những tư tưởng, quan điểm sống lệch lạc, mang tính chất coi thường xã hội, coi thường pháp luật. Những thanh, thiếu niên mới lớn sẽ coi các ca khúc đó là phương châm sống hay thể hiện cá tính của bản thân dù nhận thức còn chưa đúng, chưa rõ ràng. Những ca khúc trên có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ”.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đánh giá, những bản nhạc có ngôn từ nhạy cảm, dung tục sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giới trẻ - đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, các ca khúc như vậy cho thấy sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, vi phạm pháp luật của một số người tham gia sáng tác âm nhạc đại chúng.
Âm nhạc Việt cần một sự trong lành, thuần khiết. Giới trẻ cần có những “món ăn” tinh thần đậm giá trị nghệ thuật và nhân văn. Vậy để loại bỏ các sản phẩm âm nhạc “ô nhiễm”, các cơ quan quản lý văn hóa cần phối hợp với các đơn vị quản lý an ninh mạng ráo riết thanh tra, kiểm tra các bài hát có lời ca độc hại, các trang web, diễn đàn, mạng xã hội phát tán những nhạc “ô nhiễm” và có những chế tài xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, những nghệ sĩ chân chính cần lên tiếng phản đối, tránh xa với sản phẩm nhạc “rác”. Đặc biệt, khán giả cần phát huy vai trò là người góp phần tích cực “thanh lọc” đối với môi trường âm nhạc. Chỉ với việc nhấn vào nút xoá hoặc chặn đối với những sản phẩm nhạc “rác”, xấu độc, là khán giả đã góp phần xây dựng một không gian văn hoá nghệ thuật lành mạnh.