Buổi triển lãm đã để lại trong lòng người tham dự những cảm xúc sâu sắc, khó quên. Tranh của các họa sĩ không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật, mà còn bán gần hết cho người mộ điệu. Điều này càng minh chứng cho tính không giới hạn của nghệ thuật và nghị lực của những con người không có sự phát triển hoàn chỉnh như bao người khác.
Bốn họa sĩ đặc biệt đến từ Tịnh Trúc Gia (Huế) tổ chức triển lãm những bức tranh sơn mài đầu tiên của chính mình ở TP.HCM đã gửi gắm đến những người lành lặn một thông điệp: tuy chúng tôi không bình thường nhưng nghệ thuật đã khiến chúng tôi trở nên đặc biệt.
Sự khác biệt độc đáo của những bức tranh mà 04 tác giả đem đến người xem là những cung bậc cảm xúc mà họ muốn bày tỏ. Nguyễn Văn Tiến bình thường rất nhút nhát, khi được hỏi cũng rất ngại nói về mình. Thế nhưng khi hỏi Tiến về những bức tranh của mình, thì bạn khoa chân múa tay và trở thành một người sinh động hẳn.
Nhờ có nghệ thuật, mọi người đã hiểu được thế giới rực rỡ màu sắc trong đầu Tiến. Mọi ước mơ của Tiến đều gửi vào tranh. Tiến vẽ Tịnh Trúc Gia, bên khung cửa sổ có hai người ngồi trò chuyện, còn mình thì đứng dang hai tay thật thoải mái và sảng khoái. Tiến vẽ bức ban nhạc chơi trống, người đứng giữa là Tiến. Tiến vẽ cảnh đường phố, người qua lại tấp nập, trong đó người chạy xe máy chính là Tiến. Tiến không nói. Tiến vẽ để kể với mọi người về những giấc mơ của mình.
Theo nhà giám tuyển Philip Landry, những bức tranh của 4 họa sĩ được vẽ một cách bột phát, đây là loại hình nghệ thuật nguyên sơ (art brut hay outsider art). Người nghệ sĩ chỉ làm một chức năng duy nhất là sáng tạo. Họ không bị tác động bởi khía cạnh văn hóa của nghệ thuật, đây là những sáng tạo ngẫu hứng thực thụ.
Với một người bình thường, sáng tạo nghệ thuật dù thế nào đi nữa luôn sẽ có sự ảnh hưởng, tác động của môi trường nghệ thuật chung quanh, sẽ có chút vay mượn, thậm chí có cả sao chép. Nhưng với những họa sĩ khuyết tật, họ nhìn mọi thứ bằng con mắt của tâm hồn, và với sự sáng tạo nguyên sơ, tác phẩm của họ chỉ mang bản sắc của chính họ, đem theo nguyên bản những cảm xúc và cách mà họ nhìn nhận thế giới. Ở điều này, thì chính những họa sĩ khiếm khuyết mới là người nghệ sĩ hoàn hảo nhất.
Với tinh thần của nghệ thuật nguyên bản, những họa sĩ không hề có chút áp lực nào. Khi được đặt câu hỏi: Bao lâu thì vẽ xong một bức tranh, một họa sĩ đã thong thả trả lời: Bao giờ xong thì sẽ xong. Nghệ thuật với họ không đặt ra chỉ tiêu, không cố nặn ý tưởng, không gượng ép chính mình. Họ sống giản đơn và nhẹ nhàng, thanh thản thế nào, thì tác phẩm của họ thế ấy. Nghệ thuật từ tâm là như thế.
Điều đáng mừng là độc giả đã đón nhận rất nhiệt tình các tác phẩm của họ. Kết thúc triển lãm vào đầu tháng 7, đã có 27/29 bức tranh được bán ra, thu về tổng số tiền trên 100 triệu đồng, đó là niềm động viên lớn lao đối với những người nghệ sĩ “đặc biệt” ấy.