Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
(PLO) - Ngày 8/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng năm 2016 là năm tai ương dồn dập giáng xuống người nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Nhưng điều ngoạn mục là trong khó khăn, ngành nông nghiệp xuất khẩu hơn 32 tỷ USD, xuất siêu 7,5 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam rất lớn. 

Thủ tướng đánh giá cao các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp tầm cỡ trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị. Điều này thể hiện tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn và tinh thần khởi nghiệp bền bỉ, sâu sắc, nhạy bén, hay nói cách khác, doanh nghiệp, người nông dân đã bắt đầu sát cánh, tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ để đưa nông nghiệp Việt Nam đổi mới, đi lên.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu tinh thần của Chỉ thị 100, Khoán 10 của Trung ương là tinh thần là cởi trói thì cải cách hiện nay phải trên tinh thần kiến tạo, giải phóng và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp chính là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền nông nghiệp kiểu mới, kiến tạo lại nền tảng thị trường nông sản hàng hóa phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới, dựa trên những tư duy sản xuất sản phẩm độc đáo, thể hiện bản sắc, thế mạnh đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam. Phải đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn bởi với kinh tế hộ nhỏ lẻ hiện nay thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng để thành công trong nông nghiệp cần sự hiện diện, liên kết của 5 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng. Vai trò của 5 nhà đều quan trọng như nhau nhưng nhà doanh nghiệp đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam.

Với niềm tin sâu sắc vào quê hương của “Tiếng trống năm 30”, Thủ tướng đã nêu tầm nhìn về nông nghiệp tỉnh Thái Bình thời gian tới. Đó là Thái Bình cần phấn đấu trở thành tỉnh tiên phong khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển; là tỉnh trù phú, giàu có dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu cho nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần hình thành nên một diện mạo mới của nền nông nghiệp Việt Nam và bức tranh nông thôn Việt Nam trong thập niên tới.

Thủ tướng cho rằng Thái Bình có sẵn các điều kiện để hiện thực hóa tầm nhìn này như có trình độ thâm canh cao, hạ tầng nông nghiệp cơ bản, có 200 xã nông thôn mới, có 91 dự án với tổng vốn 3.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gần các trung tâm tiêu thụ lớn…

Từ đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển cả trước mắt và lâu dài, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở lợi thế so sánh, gắn chặt với từng vùng sinh thái, tránh cát cứ địa phương, mất đi tính liên vùng.

Chuyển tư duy an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng, nghĩa là cả lương thực, thực phẩm, vitamin “hay nói là nếu làm gạo thì gạo đó là gạo dược liệu, gạo vitamin”. Phải tạo cơ hội cho nông dân có sự lựa chọn sát hơn với thị trường, “anh không thể sản xuất cái anh có mà sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần”, Thủ tướng nhấn mạnh và bày tỏ vui mừng trước cách làm mới của Thái Bình, vừa thực hiện Luật Đất đai, đồng thời mở ra cơ chế mới về mở rộng hạn điền. Đó là chính quyền đứng ra ký hợp đồng với người dân rồi cho doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp với thời hạn từ 20 năm trở lên.

Bằng cơ chế này, đến nay tỉnh Thái Bình đã vận động tích tụ trên 5.000 ha đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, kinh tế trang trại, phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, tạo đột phá cho sự ra đời của thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp gắn với việc bảo đảm lợi ích ổn định của người nông dân.

Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện đất chật người đông, Thái Bình cần có phương thức hợp lý để nông dân không bị mất đất mà vẫn tạo ra sản xuất hàng hóa như cách làm trên.

Bên cạnh đó, Thái Bình cần mở rộng không gian phát triển hướng ra Biển Đông chứ không phải chỉ đứng trước biển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong đó đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản là một trong những trụ cột quan trọng. 

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại, “3 cùng” với doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân. Phấn đấu đến năm 2020, nằm trong 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về xếp hạng PCI.

Cần có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ để thu hút các doanh nghiệp, đối tác chiến lược mạnh về tài chính, có thị trường ổn định, có công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm của tỉnh, trong đó thủy hải sản mang thương hiệu Thái Bình trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và vươn ra quốc tế. Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn nói chung nhưng lưu ý không được để người dân đóng góp quá nhiều, ảnh hưởng đến đời sống. 

“Chúng ta đã có những con sếu lớn, nhà đầu tư lớn ở Thái Bình hôm nay và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đặt vấn đề. Nhưng tôi đề nghị sau Hội nghị này, tỉnh Thái Bình cần tiếp tục tập trung thu hút được những doanh nghiệp có uy tín, có tiềm lực, có tâm huyết. Không chỉ có một số con sếu mà một đàn sếu rất đông để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Thái Bình”, Thủ tướng bày tỏ và cho rằng một hội nghị như hôm nay chưa đủ mà cần tiếp tục làm những công việc cần thiết tiếp theo để có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Thái Bình.

Với nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ, thực tâm hình thành mối quan hệ bình đẳng, cùng thắng với nông dân và các bên trong chuỗi giá trị sản xuất. Tập trung đầu tư các dự án sản xuất theo chuỗi khép kín, đặc biệt chú trọng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm...

Các nhà đầu tư có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo đảm phát triển bền vững. Xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa. Thống nhất quan điểm 3 bên (nhà đầu tư, nhà nước và người dân) cùng thắng trong hoạt động kinh doanh

Về phía Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tập trung làm thể chế, pháp luật, cải cách hành chính tốt hơn trong phạm vi quốc gia. “Những vướng mắc về thể chế, chính sách mà quý vị phản ánh, Thủ tướng lắng nghe để cùng Chính phủ xử lý các vấn đề đặt ra”, Thủ tướng khẳng định. Chính phủ tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển.

Các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung ngay, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nhất là trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời tranh thủ hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho Thái Bình tăng tốc phát triển.

Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với số vốn đăng ký trên 2.016 tỷ đồng; trao quyết định chấp thuận nghiên cứu dự án đầu tư cho 19 dự án với số vốn đăng ký 20.925 tỷ đồng; trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án BT, BOT về xây dựng công trình đường giao thông với số vốn đăng ký 2.717 tỷ đồng./.

Đọc thêm

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đọc Lời báo công dâng Bác. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 14/12, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công dâng Bác. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó  Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.