Trăn trở vì “Thoát nghèo, vào hộ cận nghèo, nếu chúng ta không tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đồng bào lại quay trở lại nghèo khi thực tế nơi nào cấp ủy, chính quyền quyết tâm, chỉ đạo là có chuyển biến, có kết quả. Đây là vấn đề mà chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục”, Thủ tướng yêu cầu công tác giảm nghèo phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo bền vững |
Trong các biện pháp này cần tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng là giảm 1-1,5% hộ nghèo, số hộ nghèo trong các huyện nghèo giảm 3-4%, xuống dưới 30%. Tập trung rà soát chính sách để loại bỏ những chính sách lạc hậu, không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mới, phù hợp. Các chính sách sửa đổi, bổ sung phải hướng vào hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo 2 hướng là hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung vào hỗ trợ cho nhân dân trong sản xuất trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc. Giao đất, giao rừng cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng, điều chỉnh các chính sách về giữ rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ lương thực, giống, khuyến nông, đào tạo nghề, lãi suất cho vay phát triển sản xuất. Hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn và thu hút lao động tại chỗ gắn với hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp.
Về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, Thủ tướng yêu cầu trong chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, sẽ thực hiện hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, bảo hiểm y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, đầu tư hạ tầng.
Yêu cầu huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, Thủ tướng cho biết ngân sách trung ương sẽ cân đối để bảo đảm chi cho nhiệm vụ này đồng thời đề nghị các địa phương tiết kiệm chi để bố trí thêm. Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng; khuyến khích nỗ lực vươn lên của người nghèo, hộ nghèo.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội phải tăng thêm dư nợ tín dụng người nghèo so với chỉ tiêu 10% hiện nay để tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ tín dụng chính sách; đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững.