“Giấy phép con”
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Nghị định 38/2012/NĐ-CP (NĐ 38) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có nhiều bất cập không chỉ đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh trong ngành thủy sản mà cả các ngành thực phẩm khác.
Cụ thể, khoản 4 Điều 4 Nghị định này bắt buộc DN phải chờ ít nhất 15 ngày làm việc để được cấp “Giấy xác nhận” mà theo VASEP là đang tạo thêm một “Giấy phép con” gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân, đi ngược lại thông lệ quốc tế và tinh thần giảm bớt quy định và thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh về phạm vi công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP, theo hướng cần “bãi bỏ quy định “công bố phù hợp quy định ATTP”, vì Luật ATTP không có quy định này”.
Theo VASEP, chính vì quy định này tại NĐ 38 mà các bộ có chức năng về quản lý ATTP nói chung không chịu xây dựng các Quy chuẩn Việt Nam cần thiết, cứ để cho phần lớn các sản phẩm thực phẩm được quản lý bằng quy định này. Vì không có chuẩn nên thủ tục không minh bạch gây vô vàn khó khăn cho DN.
Cũng theo tổ chức này, quy định hiện hành bắt buộc từng lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, trong đó, đối với sản phẩm động vật hoặc có chứa sản phẩm động vật còn chịu 2 loại kiểm tra là kiểm dịch thú y (Bộ NN&PTNT quản lý) và kiểm tra ATTP. Quy định này quá phức tạp, gây tốn kém không cần thiết cho DN.
Vì thế, trong khi chưa sửa Luật ATTP, VASEP kiến nghị miễn kiểm tra đối với sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: đã công bố hợp quy, do người có lịch sử tuân thủ tốt pháp luật ATTP nhập khẩu, mặt hàng quen thuộc, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu không có các dấu hiệu, thông tin về rủi ro ATTP. Việc kiểm tra được thực hiện tại khâu lưu thông. Hay miễn kiểm tra hoặc không kiểm tra tại khâu thông quan, thực hiên kiểm tra tại khâu lưu thông đối với sản phẩm, hàng hoá chế biến sâu, bao gói công nghiệp.
Chỉ ra bất cập, VASEP cũng cho rằng phần lớn các sản phẩm thực phẩm hiện nay đang chịu sự quản lý của nhiều hơn 1 Bộ (nhất là kiểm tra ATTP của Bộ Y tế và kiểm dịch thú y của Bộ NN&PTNT). Cơ quan này đề nghị nên có quy định giao cho cơ quan kiểm dịch thực hiện sẽ là hợp lý, bởi, cùng với Hải quan và Biên phòng, cơ quan này luôn luôn có mặt trực tiếp tại cửa khẩu.
Không phù hợp
Tìm hiểu của PLVN được biết, ngày 3/2/2017, Chính phủ đã có Báo cáo số 37/BC- CP về việc tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011 – 2016 gửi đoàn giám sát của Quốc hội.
Tại phụ lục của Báo cáo nêu rõ: công bố hợp quy và công bố phù hợp với ATTP là không phù hợp với thông lệ quốc tế, ít hiệu quả trong triển khai thực tiễn, cũng như không còn được sử dụng trong quản lý ATTP của các quốc gia trên thế giới. Báo cáo còn đề nghị bỏ một số điều khoản liên quan trong Luật ATTP 2010 về công bố hợp quy, đồng thời báo cáo khẳng định công bố phù hợp quy định ATTP trong NĐ 38 là nội dung chưa được quy định trong Luật ATTP và đề nghị sửa đổi Nghị định để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Tại cuộc họp đối thoại hồi tháng 5 vừa qua do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với sự tham gia của đại diện các DN thủy sản và các Bộ Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, đại diện Bộ Y tế cũng đồng ý với kiến nghị của VASEP là bãi bỏ quy định cấp giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP vì quy định này không có trong Luật ATTP.
Rõ ràng, từ nhận định, chủ trương của Chính phủ cùng với khẳng định của Bộ Y tế tại cuộc họp đối thoại nói trên, việc sửa đổi NĐ 38 theo hướng bãi bỏ quy định “công bố phù hợp ATTP là việc cần thiết và cần áp dụng ngay. Thế nhưng, thật ngạc nhiên Dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ 38 đã được xây dựng và đang được lấy ý kiến hiện nay, theo nhiều chuyên gia là về cơ bản vẫn chưa giải quyết được các bất cập cần mà các DN kiến nghị tháo gỡ.