Theo người đại diện Facebook tại Việt Nam - ông Huỳnh Kim Tước thì hiện ở nước ta có khoảng 50 người dưới 24 tuổi trở thành triệu phú đôla nhờ kiếm tiền trên mạng Internet, một người trong số này còn tiết lộ bình quân kiếm được 100.000 USD một tháng.
Cũng theo ông Tước, dự kiến năm nay sẽ có khoảng 100 triệu phú đôla nữa. Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang rất sôi động và có nhiều dấu hiệu rất tích cực. Những chỉ số của Facebook cho thấy Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 7 đến 8 trên bảng tổng sắp và nếu trừ đi số ngày lễ, Tết, chỉ số này còn có thể tăng hơn.
Thực tế, quy định việc thu thuế bán hàng trên mạng xã hội như facebook, zalo để đưa các hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội vào quản lý là quy định đã có từ năm 2015, cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội phải đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT và phải đóng thuế.
Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lý thuế.
Quy định này nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho TMĐT phát triển, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện quy định trên đang đặt ra nhiều thách thức với các cơ quan chức năng.
Về vấn đề này, Luật sư Vũ Thu Hường (Cty Luật TNHH Smic, Hà Nội) cho rằng, việc thu thuế tuy có một số khó khăn nhất định nhưng vẫn phải làm và làm được. Vì cá nhân, tổ chức đã đăng ký kinh doanh, đã khai thuế thì việc họ bán hàng ở cửa hàng thật hay bán hàng trên mạng không khác gì nhau. Website, facebook, zalo... chỉ là công cụ để họ giới thiệu, giao dịch mà thôi.
Đối với trường hợp người kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh, chưa khai thuế thì việc họ kinh doanh thường xuyên hoặc không thường xuyên trên website, facebook... có thể được quản lý để thu thuế. Việc khai, nộp thuế sẽ áp dụng tương tự đối với hộ kinh doanh. Tuy nhiên, theo tôi, chỉ nên tính thu thuế với những người nào kinh doanh lâu dài, doanh số cao chứ không phải bất kỳ ai kinh doanh trên mạng cũng bị đánh thuế.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Hà Nội) cũng cho rằng thu thuế đại trà sẽ không có tính khả thi và không tạo được sự đồng thuận. Có thể ban đầu chỉ sàng lọc những người kinh doanh có doanh số cao, bán những sản phẩm giá trị lớn. Tiêu chí để sàng lọc dựa trên tiếng tăm của người bán trên cộng đồng mạng, số lượt view, lượt like, số người theo dõi... Việc này không khó vì hiện có rất nhiều người dùng facebook, zalo để bán hàng, công khai cả tài khoản ngân hàng.
Bởi vậy, cơ quan quản lý không nên quan ngại việc thu thuế của những người bán hàng trên thế giới ảo sẽ khó khăn vì tuy mạng là ảo nhưng doanh thu “khủng” là thật và Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được. Ở chiều ngược lại, những người kinh doanh “buôn bán vặt” trên mạng cũng không cần phải quá lo lắng về việc bị đánh đồng là “nhà kinh doanh” để đánh thuế cao - bởi việc thu thuế phải có sự sàng lọc.