Có ý kiến cho rằng thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu. |
Chuyển hình thức thu từ ngoài đường vào trong nhà?
Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, trình đi trình lại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa hoàn thành và trình Bộ GTVT ba phương án hoàn thiện về tài chính cho Quỹ Bảo trì đường bộ. Theo đó, phương án 2 được xem là phương án dễ chịu nhất bao gồm các khoản thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ (chỉ thu ô tô), từ ngân sách nhà nước cấp gián tiếp qua thuế nhập khẩu xăng, dầu diesel và cấp bổ sung trực tiếp cho đủ nhu cầu.
Phương án này không thu phí sử dụng đường bộ của xe mô tô vì việc tổ chức thu phí bảo trì đường bộ của người sử dụng mô tô, xe máy có những khó khăn nhất định, khả năng sẽ thất thu lớn. Việc thu thêm 1.000đ/lít xăng và 330đ/lít dầu diesel là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây chỉ là kiến nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, còn quyết định thế nào thì vẫn phải đợi.
Vì hàng ngày phải lưu thông trên những con đường bụi mù đầy ổ gả ổ voi, trong khi báo đài vẫn ra rả về số tiền ngân sách mỗi năm một tăng dành cho việc duy tu bảo dưỡng đường xá, nên tâm lý người dân phản ứng với việc thu quỹ bảo trì đường bộ cũng dễ hiểu. Phản hồi sự lo ngại của người dân cho việc một đầu xe con nhiều loại phí, ngành giao thông đã có giải thích rằng việc thu quỹ bảo trì đường bộ về cơ bản không phải là tạo ra cái mới mà chỉ chuyển hình thức thu từ ngoài đường vào đầu xe.
Trước đây, trên các tuyến quốc lộ, thu qua trạm thu phí. Nay do các trạm thu phí không bao quát hết được nên chuyển sang thu vào đầu phương tiện. Do vậy, sau khi đề án này đi vào hoạt động, các trạm thu phí của nhà nước trên quốc lộ sẽ được xóa bỏ còn các trạm theo hình thức BT, BOT vẫn tiếp tục tiến hành thu phí. Công tác bảo trì các tuyến đường BOT hiện và sẽ vẫn do nhà BOT đảm nhiệm.
Thu thế nào và sử dụng ra sao cho dân yên lòng?
Theo dự kiến, ngày 1/7/2012 Quỹ bảo trì đường bộ sẽ thành lập và một năm sau đó Quỹ sẽ chính thức đi vào hoạt động. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông, thì Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu sớm bỏ hoàn toàn nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp cho quỹ. Như vậy, nếu áp dụng phương án 2, dự kiến từ năm thứ sáu, hoạt động của quỹ sẽ không cần nguồn kinh phí ngân sách cấp trực tiếp. Và sau khoảng 15 năm hoạt động, quỹ sẽ tự đáp ứng nhu cầu hoạt động từ thu phí trực tiếp trên đầu phương tiện ô tô. Khả quan là vậy, nhưng vấn đề lớn nhất ở đây vẫn là thu thế nào, sử dụng ra sao để dân yên lòng và ủng hộ?
Trả lời báo giới về vấn đề này, ông Đông cho biết, với ô tô sẽ thu qua đăng kiểm, còn xe máy dự kiến ủy thác cho các đơn vị bảo hiểm và cho họ hưởng phí thu là 5%. Ông Đông cũng cho rằng việc thu trên đầu xe máy là hợp lý vì đã tham gia giao thông thì mọi phương tiện phải bình đẳng mặc dù hiện nay trên quốc lộ các trạm thu phí đã bỏ việc này. Lời giải thích của cơ quan quản lý là vậy, còn về phía người dân dù vẫn biết rằng cần có quỹ để đảm bảo duy trì đường bộ, nhưng vấn đề mức thu thế nào, sử dụng ra sao phải tuyệt đối minh bạch, chứ không nên căn cứ vào chi phí bảo trì đường bộ thực tế hằng năm còn thiếu để chia trở lại cho dân để trở thành mức thu.
Với mức thu dự kiến 180 ngàn đồng ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe tải dưới 2,5 tấn một tháng và xe máy từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng/năm thì tiền thu từ đầu phương tiện ô tô sẽ được trên 4.400 tỷ, thu từ đầu xe máy 1.900 tỷ, mỗi năm quỹ bảo trì sẽ có khoảng 6.000 tỷ đồng cộng với nguồn hằng năm của nhà nước chi khoảng 2.500 tỷ đồng cơ bản đáp ứng được nhu cầu sửa chữa đường bộ (đường của trung ương sử dụng 50%, địa phương là 45%). |
Hồng Minh