'Thu nhập cơ bản toàn dân' -'Bom tấn' tranh cử tổng thống Pháp?

Nước Pháp, người dân Pháp đang khao khát những thay đổi
Nước Pháp, người dân Pháp đang khao khát những thay đổi
(PLO) -"Thu nhập cơ bản toàn dân" là ý tưởng mang tính cách mạng được ứng cử viên đại diện cho Đảng Xã hội Pháp (PS) Benoît Hamon đưa ra trong chương trình tranh cử tổng thống sắp tới đây. Theo báo "Slate.fr" số ra gần đây, ý tưởng này có thể trở thành một trào lưu, làm thay đổi cục diện cuộc đua vào Điện Elysée tại cuộc bầu cử sắp tới.

Tại vòng bầu cử sơ bộ cánh tả, ứng cử viên Hamon- cựu Bộ trưởng Giáo dục- đã đưa ra ý tưởng chi trả thu nhập cơ bản cho người dân Pháp.

Đủ 18 tuổi là... “có lương”

Theo đó mọi công dân Pháp trên 18 tuổi hàng tháng sẽ được nhận 750 euro tiền thu nhập cơ bản, bất kể họ đang có việc làm hay không. Ý tưởng này rất có thể trở thành hiện thực, được kỳ vọng là giải pháp thay thế cho mô hình chính trị và xã hội hiện nay của Pháp.

Bằng cách đưa ra khái niệm này, ứng cử viên Hamon đã không chỉ tìm ra "chìa khóa" giúp ông được lựa chọn để trở thành ứng cử viên đại diện cho cánh tả, mà ông còn đưa ý tưởng này trở thành một chủ đề được quan tâm tại các cuộc tranh luận trong khuôn khổ cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. 

Rất nhiều ứng cử viên trong cuộc đua tranh chức Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới đã cho rằng, ý tưởng của ông Hamon là... không tưởng. Ứng cử viên trung dung- cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron- đã so sánh ý tưởng này với chế độ "thu nhập tối thiểu" hoặc "thu nhập bổ sung" (RSA) được áp dụng tại Pháp từ năm 2009.

Còn trong nội bộ PS, các ứng cử viên là cựu Thủ tướng Manuel Valls và cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg, từng tuyên bố là "thù địch" với quan điểm này dù đều thừa nhận rằng "bị quyến rũ" bởi ý tưởng đó. Ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon, người tranh cử với phong trào "Nước Pháp bất khuất", đồng ý thảo luận về chủ đề này nhưng từ chối tích hợp ý tưởng này vào chương trình hành động của ông. 

Ứng cử viên cánh tả Benoit Hamon
Ứng cử viên cánh tả Benoit Hamon

Ý tưởng 200 năm “tuổi đời”

Mặc dù là một ý tưởng cao đẹp, thể hiện tầm nhìn mới đối với tương lai của nước Pháp và thế giới, song ý tưởng này lại bị chế nhạo vì tính không khả thi. Trên thực tế, một ý tưởng như vậy cho phép cụ thể hóa một giải pháp mang tính thay thế đối với xã hội hiện tại.

Trong một công trình công bố mới đây tại Quỹ Jean Jaurès, hai nhà nghiên cứu David Djaiz và Julien Dourgnon cho biết, ý tưởng về một "nguồn thu nhập đảm bảo sự tồn tại" đã có từ hai thế kỷ nay. Sự xuất hiện trở lại của khái niệm này trong các cuộc tranh luận công khai thời gian qua là do bối cảnh lịch sử với những biến động của các nền kinh tế vốn đang chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và do bối cảnh chính trị của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. 

Việc tầng lớp trung lưu tại các nước phương Tây đang trở nên dễ bị tổn thương bởi những biến động kinh tế và công nghệ đang khiến cho một trong những huyền thoại về chính sách xã hội là "tạo ra nền tảng thu nhập trung bình" cho tầng lớp trung lưu- khái niệm vốn được thảo luận trong các cuộc tranh luận xã hội vào thời điểm ra đời của nền "Cộng hòa thứ 5"- đang bị trôi vào quên lãng.

Khoảng cách chênh lệch lớn giữa tiến bộ công nghệ và tiến bộ vật chất mà người dân được hưởng đã khiến mọi người không còn tin vào phát biểu của các chính trị gia trong nhiều thập kỷ về việc tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. 

Thực tế đó làm thay đổi cách nhìn phổ biến trong xã hội và làm cho các hệ thống phân chia đảng phái chính trị và xã hội vốn quen thuộc trở nên không ổn định. Những đảo lộn liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp mới kéo theo ý thức hệ trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump và những người ủng hộ quan điểm Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đã được hưởng lợi. Trong bối cảnh đó, ý tưởng "Thu nhập cơ bản toàn dân" là một câu trả lời cho những thách thức lớn, cả về vật chất và ý thức. 

“Bom tấn” tranh cử Tổng thống

Theo báo "Slate.fr", "thu nhập cơ bản toàn dân" không phải là để bù đắp cho việc bị mất công ăn việc làm, hay cách hiểu đơn giản hóa rằng đây là một hình thức phúc lợi xã hội. Khái niệm này mang một ý nghĩa kinh tế và xã hội rõ ràng, cho thấy tồn tại một giải pháp cho phép tiến hành cuộc cải cách về tri thức và đạo đức trong xã hội, đồng thời giải thích về khả năng thực hiện giải pháp đó.

Chính vì vậy, "thu nhập cơ bản toàn dân" là giải pháp mạnh hơn chính sách kích cầu trong Học thuyết kinh tế Keynes đồng thời cũng là câu trả lời mạnh mẽ đối với với tuyên bố "Không có giải pháp thay thế" của cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

"Thu nhập cơ bản toàn dân" được coi như một giải pháp tổng thể. Nó trở thành đầu kéo cho một trật tự xã hội và chính trị mới, khác xa với các mô hình đáng lo ngại của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May” - "Slate.fr" bình luận.

Nếu khái niệm "thu nhập cơ bản toàn dân" gây ra một số phiền hà thì đó là vì nó làm thay đổi nhiều suy nghĩ đã hằn sâu trong nhận thức và đã trở thành chân lý được chấp nhận từ nhiều thập kỷ nay trong một xã hội mà địa vị xã hội của các cá thể chủ yếu được xác định bởi tiền lương.

Nếu ý tưởng "thu nhập cơ bản toàn dân" được nhiều ý kiến ủng hộ thì đó là vì trong xã hội Pháp hiện nay, hàng triệu người hàng ngày hàng giờ đang phải sống một cuộc sống bấp bênh, đe dọa bị gạt sang bên lề xã hội. Điều đó cũng cho thấy tăng trưởng và tạo ra nhiều việc làm là những ý tưởng không thể thực hiện được.

Điện Elysée đang chờ đón vị Tổng thống mới
Điện Elysée đang chờ đón vị Tổng thống mới

Chính vì vậy, ý tưởng này tạo đà cho một cuộc cách mạng hoàn chỉnh đối với cách thức tổ chức xã hội Pháp. Trong khi các chính sách về điều chỉnh tiền lương cho đến nay chỉ bao gồm điều chỉnh cơ cấu thị trường lao động và chia sẻ thời gian làm việc, thì ý tưởng về "thu nhập cơ bản toàn dân" xuất hiện như một giải pháp thay thế tác động đến tất cả các các khía cạnh của đời sống xã hội, có thể sẽ trở thành động lực chính trị quan trọng hàng đầu.

Ý tưởng này cũng là lời giải đáp cho các câu hỏi lớn đang đặt ra hiện nay về "mô hình xã hội" - câu hỏi đó đã trở nên rất phổ biến trong các nhóm xã hội bị tổn thương thời gian qua do sự phát triển của công nghệ và kinh tế cũng như do tác động của cuộc khủng hoảng năm 2008. 

Do đó, đối với tầng lớp trung lưu có trình độ thực sự, ý tưởng này có ý nghĩa đặc biệt vì nó đồng thời thể hiện sự phản đối đối với mô hình xã hội hiện tại, khát vọng thay đổi và mong muốn tiến hành cuộc cải cách dân chủ đối với hệ thống chính trị vốn đã bị "đông cứng" trong huyền thoại "Ba mươi năm huy hoàng" của nước Pháp kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

“Với những nội hàm như vậy, ý tưởng "thu nhập cơ bản toàn dân" sẽ nằm ở vị trí trung tâm của chiến lược chống lại sự bá quyền trong thế giới nơi mà đồng tiền thống trị. Nó sẽ nhanh chóng trở thành chủ đề được quan tâm trong các cuộc tranh luận công khai và rất có thể sẽ làm thay đổi dòng chảy của cuộc bầu cử tổng thống Pháp”- "Slate.fr" kết luận.

Ứng cử viên cánh tả Benoit Hamon, vốn ít được ưa chuộng, nhưng sau lại giành được chiến thắng ở vòng bầu cử sơ bộ của cánh tả. Cương lĩnh của cựu Bộ trưởng Giáo dục này được cho là chủ yếu nhằm “cho phép người Pháp nắm lại số phận của mình” và “tạo ra một xã hội mà ở đó sự nghiệp không phải là ở việc làm”…

Ông Hamon hứa hẹn sẽ nâng cao thu nhập cơ bản của người dân cũng như thúc đẩy các biện pháp mới về bảo vệ môi trường, hủy bỏ Luật Lao động, đánh thuế robot. Vị cựu Bộ trưởng Giáo dục này còn đề xuất nên chỉ có một nhiệm kỳ 7 năm duy nhất cho tổng thống và tổng thống sẽ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện…

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.