Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chương trình phiên họp thứ 22 đã có nhiều điều chỉnh đối với các nội dung như: Không xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Rút 03 dự án luật do chưa đảm bảo chất lượng, tiến độ chuẩn bị, gồm dự án Luật Cảnh sát Biển, Luật Quản lý phát triển đô thị và dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
Tránh bỏ sót, bỏ lọt đối tượng hỗ trợ
Thảo luận cho ý kiến về Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi tại phiên họp, đa số thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình. Nhất trí cao với quan điểm “không mở rộng đối tượng, không tăng chi ngân sách”, tuy nhiên theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc đối tượng hỗ trợ tại dự thảo được thu hẹp hơn so với trước, Chính phủ cần có sự xem xét, giải thích để tránh bỏ sót, bỏ lọt đối tượng hỗ trợ. Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần tính toán có hệ thống tưới tiêu khép kín, để tránh lãng phí trong sử dụng nước, nhất là khi việc sử dụng nước đang được ngân sách hỗ trợ.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH thống nhất với Chính phủ về việc ban hành nghị định để quy định đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trong giai đoạn từ ngày 01/01/2017 đến 30/6/2018 để khắc phục khoảng trống pháp lý khi mà Luật Phí và lệ phí hết hiệu lực và Luật Thủy lợi chính thức có hiệu lực thi hành. UBTVQH cũng cơ bản thống nhất về đối tượng, phương thức hỗ trợ, mức hỗ trợ theo Tờ trình của Chính phủ, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc không mở rộng đối tượng, không tăng chi ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát lại các đối tượng được hưởng hỗ trợ trên tinh thần của Nghị định 67 không để sót, lọt các đối tượng đã được hưởng và không thêm đối tượng mới; lưu ý cần phải có cơ chế khuyến khích khi chuyển đổi mục đích sử dụng kém hiệu quả.
Đề xuất bỏ quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm
Một trong những dự án Luật được trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp này là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí.
Theo Tờ trình của Chính phủ, chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm đã thực hiện được 20 năm, góp phần thu hút rất nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm.
Vì vậy, học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành học khác. Và để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, dự thảo Luật quy định về tín dụng sư phạm và quy định sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có 2 loại ý kiến:
Ý kiến thứ nhất tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành Giáo dục. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.
Ý kiến thứ hai đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Thường trực Ủy ban cho rằng, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành Giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; sửa đổi các quy định có liên quan về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào. Một vấn đề quan trọng khác là cần nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục trong thời gian tới.