Gỡ “nút” cho thầy cô
Trước câu hỏi, có phải Thông tư 22 ra đời sẽ thay thế Thông tư 30? Thông tư 22 được ban hành có gây xáo trộn gì trong các hoạt động dạy-học và đánh giá học sinh tiểu học ở các nhà trường hiện nay? Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, việc ban hành Thông tư 22 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 30 chứ không thay thế Thông tư 30. Thực tế chỉ có một số điểm được sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho giáo viên, nhà trường dễ dàng thực hiện hơn, khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện Thông tư 30 trong thời gian qua. Các tư tưởng nhân văn như đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh,… trong Thông tư 30 vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư 22.
Như vậy, so với Thông tư 30, Thông tư 22 vẫn kiên định quan điểm đánh giá học sinh không qua chấm điểm thường xuyên. Điểm nổi bật của Thông tư mới là tăng mức đánh giá, sửa đổi về khen thưởng và trút gánh nặng cho giáo viên trong việc ghi nhận xét vào sổ.
Trước đây, giáo viên chỉ đánh giá học sinh bằng hai mức: Đạt và Không đạt thì nay mức đánh giá được tăng lên làm ba bậc gồm: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Riêng lớp 4, lớp 5, so với Thông tư cũ, quy định có thêm hai bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.
Một trong những thay đổi lớn của Thông tư 22 chính là hủy bỏ việc ghi chép nhận xét hàng tháng của giáo viên vào sổ theo dõi chất lượng học tập. Thay vào đó, Thông tư mới quy định, trong quá trình giảng dạy, Thông tư yêu cầu giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chỗ chưa đúng và cách sửa chữa. Khi cần thiết, giáo viên viết lời nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh hoặc có biện pháp giúp đỡ kịp thời.
Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình học tập để học và làm tốt hơn. Giáo viên thay vì phải ghi chép nhiều lần, vào nhiều loại sổ khác nhau thì hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ thông tin để giảm bớt đầu việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu về đánh giá, nhận xét học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Không phải chấm điểm
Có thể nói, cốt lõi của Thông tư 30 là việc bỏ chấm điểm thường xuyên ở bậc tiểu học và giờ tiếp nối là Thông tư 22. Sau ba năm thực hiện Thông tư này, giáo viên vẫn tiếp tục kêu ca, còn phụ huynh thì vẫn cảm thấy tù mù, chẳng biết con mình thực học thế nào, kết quả ra sao và liệu những nhận xét của giáo viên với con mình có là thực chất?
Theo GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì phương pháp bỏ chấm điểm này đã được nhiều nước áp dụng, tuy nhiên ta muốn làm theo thì phải có sự chuẩn bị kỹ càng.
"Tôi nghĩ trong một số nội dung thì chưa chắc chúng ta đã có đầy đủ điều kiện như các nước.Thứ nhất, giáo viên của họ phải được đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp đánh giá học sinh theo kiểu mới. Thứ hai, lớp học của họ ít học sinh, bởi vậy giáo viên có thể quan tâm trực tiếp đến từng em. Còn lớp học ở Việt Nam thì sĩ số đông, thậm chí cô chưa nhớ tên học sinh thì làm sao biết em nào khá hay giỏi? Ngày trước cho điểm là giúp giáo viên khi chấm bài thì nhớ “em này 5 điểm thì kém, em kia 9 điểm thì giỏi”. Nhưng với việc “chấm” bằng nhận xét, giáo viên phải biết từng em như thế nào. Ở Việt Nam là hơi khó, vì sĩ số lớp học không biết đến bao giờ mới rút xuống con số chuẩn" - GS Thi cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, Thông tư mới vẫn có sự mâu thuẫn với cha mẹ học sinh bởi một bên muốn làm mờ kết quả học tập của học sinh, một bên muốn làm rõ con mình đang ở vị trí nào. Bởi tâm lý người dân khi đầu tư cho con đi học rất muốn biết năng lực, sự tiến bộ hàng ngày của con như thế nào.
Thực ra, việc chấm điểm hay bỏ chấm điểm cũng không quá quan trọng với học sinh tiểu học. Cái quan trọng hơn là lối dạy học nhồi nhét cho trẻ con có thể dẫn tới sự rối loạn trong cơ chế tiếp thu và kiến thức của trẻ nhỏ. Nếu không quá quan trọng hóa việc chấm điểm, không quan trọng hóa việc nhồi nhét kiến thức thì chắc chắn Bộ GD-ĐT không phải ra hai thông tư trong vòng ba năm về chuyện này.
Đây không phải là chuyện “để hay bỏ” việc chấm điểm, mà quan trọng hơn là cách dạy có phù hợp với lứa tuổi học sinh ở bậc tiểu học không? Bởi vậy, có phụ huynh tếu táo rằng: “Bốn năm tiểu học chữ to; năm thứ nhất em được đánh giá theo Thông tư 32. Năm thứ hai em được chấm điểm bởi Thông tư 30. Năm thứ ba em được đo đạc bằng Thông tư 30. Năm thứ bốn em được nhìn nhận bởi Thông tư 22...”.