Thoát nạn nhờ đọt tre
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Xuân, anh Nguyễn Thanh Tân (41 tuổi, ngụ thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) vẫn còn khá mỏi mệt nhưng phấn chấn hơn nhiều so với hôm mới vào viện.
Chị Nguyễn Thị Mai Hồng (vợ anh Tân) cho hay: “Khi nghe tin chồng bị lũ cuốn, tôi khóc đứng khóc ngồi. May ảnh còn sống được trở về. Ai trong gia đình cũng mừng. Tính ra, từ giữa đêm ngày 2 đến sáng ngày 3/11, ảnh đã chống chọi với dòng lũ hơn 11 giờ, bị trôi hơn 7km”.
Anh Tân gượng ngồi dậy kể: "Chiều tối 2/11, tôi cùng phó chủ tịch huyện và 3 người khác dùng ca nô đi ứng cứu một xe khách từ tỉnh Gia Lai bị kẹt lũ chết máy dưới chân cầu sắt La Hai.
Giữa đêm, lúc ca nô qua sông Kỳ Lộ thì bất ngờ bị dòng nước xoáy làm lật úp. 4 người đi cùng thoát được ra ngoài, riêng tôi bị kẹt trong lòng ca nô. Tôi cố sức quẫy đạp, cuối cùng cũng lọt ra được. Thế nhưng khi ngoi lên mặt nước thì đầu bị đập vào thành cầu La Hai, rồi cứ thế bị trôi theo dòng lũ giữa đêm tối”, anh Tân kể.
Nhờ có mặc áo phao nên anh Tân nổi theo dòng nước dữ. Trôi khoảng 1km thì anh bám được đám bèo lục bình. “Nhưng rồi gặp xoáy nước, đám bèo vỡ ra, tôi chới với giữa vực nước trong đêm. Nghĩ là chắc mình không còn đường sống. Bởi nước quá dữ mà trời tối thui, không thể cậy nhờ vào điều gì nữa”, anh Tân kể.
May sao, trôi một lúc nữa thì tay anh Tân vơ được một đọt tre ngã đổ ra sông. Quá kiệt sức nhưng anh cố níu đọt tre, nhích dần để tìm thêm chỗ tựa bám. Không ngờ một lúc sau, nước lũ bứng nguyên cả bụi tre, đẩy anh cùng trôi. Tuyệt vọng nhưng trôi được một đoạn thì bụi tre bị mắc kẹt lại, anh Tân ló đầu lên để thở.
Cứ thế, lúc mê, lúc giật mình lại cố bám, rồi trời cũng sáng dần, thấy một người đang chèo xuồng vớt củi nên anh lấy hết sức kêu cứu. Người chèo xuồng nghe thấy nhưng không thể chèo lại gần vì nước quá xiết. Ông này ra hiệu anh Tân yên tâm, rồi chèo vào bờ kêu người ứng cứu. Sau đó, ca nô cứu hộ đã tiếp cận, cứu sống anh Tân.
Chị Hồng nức nở: “Bữa có người báo tin chồng bị lật ca nô, tôi chạy cầu cứu khắp mọi người, trắng đêm không ngủ được, chỉ biết thắp nhang nguyện cầu. Nghe tin anh Tân thoát chết mà tôi tưởng như mình cũng sống lại. Đoạn đường anh Tân trôi gần 7km”.
Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Sau khi ca nô lật úp, tôi bị hất văng ra, rồi trôi dạt theo dòng nước lũ. Sau khi bơi 10 phút giữa dòng lũ mênh mông, tôi phát hiện áo phao bung ra mất từ lúc nào. Loay hoay giữa dòng lũ cuồn cuộn, tôi liều mình bơi ngửa để vừa kéo khuy cởi áo mưa vừa kêu cứu giữa màn đêm. Sau gần 1 giờ vật lộn với lũ dữ, tôi bị lũ đánh dạt vào bụi rậm bên sông”.
Kiệt sức vì lạnh, thật may mắn, ông Từ bấu víu được cành cây bên bờ sông Kỳ Lộ tiếp tục kêu cứu. Nghe tiếng kêu, anh Mậu, chiến sĩ của huyện đội Đồng Xuân, mặc áo phao vừa bơi vừa kêu gọi người dân tìm cách đưa ông vào bờ.
Ông Tâm kể lại những phút giây hãi hùng lênh đênh trên biển. |
Sống sót nhờ ôm nắp hầm tàu cá
Sau 10 giờ ôm can nhựa, nắp hầm tàu cá, 3 ngư dân cùng ngụ tại phường 6 (TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) rớt khỏi tàu cá số hiệu PY90151 bị đánh chìm đã may mắn được sóng biển đánh vào sát bờ.
Kể về câu chuyện sống sót khó tin của mình, ông Trần Văn Tâm (49 tuổi), chủ tàu cá PY-90151 TS, cho biết: “Khoảng 13h30 ngày 3/11, thấy nước lụt tràn về, lo sợ tàu bị hư hại nên tôi cùng con trai là Trần Công Nhật (26 tuổi), cháu Võ Tấn Sang (20 tuổi) và cháu Nguyễn Văn Thảo (23 tuổi) xuống đưa tàu sang cảng cá Đông Tác neo đậu.
Tuy nhiên, tàu vừa đi ra một lúc thì bị dây neo vấn chân vịt, bị sóng đánh chìm. Cả 4 người trên tàu đều rơi xuống biển, mỗi người văng ra một phía. Mọi người đều cố gắng bơi và vớ được mấy can nhựa, ráng sức bơi vào bờ”.
Lúc này, nước lụt trên sông Ba tràn xuống lạnh buốt, phía cửa biển thì sóng mỗi lúc một lớn, gió nổi lên đùng đùng đẩy 4 ngư dân tan tác. Đột nhiên, một con sóng lớn ập đến, các can nhựa văng ra xa. Anh Thảo bị chuột rút nên không thể trụ được, bị con sóng nuốt trọn, cuốn trôi cùng chiếc can nhựa.
Những người còn lại mặc dù mất tinh thần nhưng vẫn động viên nhau cố gắng trụ lại, bám vào bất cứ thứ gì để giữ thăng bằng. “May thay ngay lúc sóng lớn đó có nắp hầm của tàu cá và một cây tre dài khoảng 2 sải tay dạt đến, tôi vớ được, kéo cả 3 người bám vào. Và chúng tôi cứ thế lênh đênh trên mặt nước, bị sóng cuốn trôi từ sông ra cửa biển”, ông Tâm kể.
Chính quyền tỉnh Phú Yên đến thăm hỏi sau khi anh Sang thoát nạn. |
“Cứ vậy, chúng tôi trôi dạt mãi, lúc được đẩy vào gần bờ rồi lại bị kéo ra xa. Chúng tôi gần như tê cóng, ngất lịm. Đến đêm khuya, khi nhìn thấy ngọn đèn từ quảng trường 1 - 4 hắt từ xa. Định thần lại thì thấy chúng tôi đã được sóng đánh vào sát bờ, chân có cảm giác chạm được tới đất. Chúng tôi dìu dắt nhau đi vào bờ và kêu cứu. Ngay lúc đó, nhiều người dân ùa ra dìu chúng tôi vào đất liền”, ông Tâm nói.
Xúc động đến tột cùng, ông Tâm nói: “Đó là những giờ phút tử thần. Tôi không thể tin được mình, con và cháu thoát chết. Nhưng hết sức đau buồn vì cháu Thảo đã vĩnh viễn ra đi”.
Bà Trần Thị Yến (vợ ông Tâm) cho biết: “Nhìn con sóng dữ như muốn nuốt chửng mọi người đang chới với giữa dòng nước, tôi chỉ biết ngã quỵ, nhưng phép màu thực sự đã xảy đến. Tôi mừng không kể xiết khi nghe họ trở về. Cũng là nhờ mọi người cùng động viên, giúp đỡ gia đình tôi lúc khốn khó”.
Anh Võ Tấn Sang bàng hoàng kể lại: “Khi đêm xuống ai cũng mệt lử, nghĩ chắc chết nhưng thấy ánh điện sáng le lói nên chúng tôi vừa bơi vừa cố trườn theo con sóng để áp bờ. Khi chân chạm được tới cát, mọi người đều đổ gục, mình mẩy đầy thương tích, tím tái. Cũng may sóng đánh dạt vào gần khu dân cư nên được mọi người cấp cứu kịp thời không thì cũng chết”.
Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, cho biết: “Các ngư dân đã rất bình tĩnh và rất may mắn mới có thể thoát được sóng biển dữ dội như vậy. Chúng tôi vừa liên lạc với bên bảo hiểm đề nghị kiểm tra, lập hồ sơ thiệt hại để thực hiện chi trả bảo hiểm theo quy định cho ông Tâm. Để chia sẻ mất mát với ngư dân, chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh hỗ trợ cho ngư dân khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Tuy nhiên, điều rất đau buồn là ngư dân Nguyễn Văn Thảo đã không thể sống sót quay về đoàn tụ với gia đình”.