“Mưa đá ác quá...”
Lai Châu là một trong những tỉnh trồng thảo quả lớn nhất nước ta, 4.000 ha diện tích cây này tập trung nhiều nhất ở 3 huyện Mường Tè, Sìn Hồ và Phong Thổ, ngoài ra còn nằm rải rác ở các huyện trong tỉnh với diện tích nhỏ lẻ. Dù được bà con vùng cao ví là cây “xóa đói giảm nghèo”, nhưng trong đợt băng tuyết và mưa đá vào cuối tháng 4 vừa qua, 3/4 diện tích thảo quả của Lai Châu đã bị thiệt hại.
“Mưa đá ác quá, hỏng hết thảo quả rồi, lại phải chờ đến sang năm thôi, năm ngoái mất, năm nay cũng mất. Mình có khoảng 1.000 gốc, một năm thu hoạch được vài tạ khô, năm nay chết hết không thu hoạch được gì nữa...”, anh Thào A Già, ở bản Hợp Hai, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu buồn bã nói.
Theo những người nông dân ở đây, hầu hết thảo quả bị thiệt hại nặng do mưa rét đều không “cứu” được mà phải trồng lại từ đầu. Nhưng trong khi bà con ở đây đang chuẩn bị khắc phục thì đợt mưa đá vào cuối tháng 4 vừa qua lại tiếp tục “dội đá” xuống “nồi cơm” của người dân. Nhiều rừng thảo quả nhanh chóng tan hoang, chết khô. Nguồn thu nhập chính của bà con bị ảnh hưởng, trong khi chính quyền địa phương chưa có chính sách hỗ trợ khôi phục lại trồng trọt canh tác khiến hàng ngàn hộ nông dân phải “khóc ròng”.
Xã Dào San (huyện Phong Thổ) với 180ha thảo quả, diện tích có thể thu hoạch là 144ha. Dù chuẩn bị vào mùa thu hoạch nhưng hầu hết những đồi, núi trồng thảo quả ở đây không thấy bóng dáng bà con dân bản.
Ông Ma Nủ, Phó Chủ tịch xã Dào San lo lắng: “Mấy năm nay, việc thu hoạch thảo quả gặp khó khăn. Hiện tại, bà con chưa thu hoạch được gì, do trận tuyết vào mùa đông vừa rồi làm chết hết cây.Thiệt hại rất nhiều, tiếp đó lại có thêm trận mưa đá cuối tháng 4 vừa rồi to quá khiến thiệt hại ngày càng thêm nặng nề. Cây già giờ đổ hết rồi, giờ chỉ còn toàn cây non và phải mất từ 3 - 6 năm mới thu hoạch được mà giờ bị chết hết rồi”.
Xã Hoang Thèng (huyện Phong Thổ) tuy thiệt hại ít hơn, nhưng cây ở đây cũng khô chết, kinh tế của người dân vì thế cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Tẩn Lao San, Phó Chủ tịch xã Hoang Thèng, cả xã này trồng có 15ha thảo quả, nhưng thiệt hại 3ha.
“Xã mình ở dưới thấp không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tuyết rơi, nhưng lại gặp trận mưa đá nên cũng hư hại nhiều lắm. Thảo quả lại là một trong những nguồn thu chính cùng với lúa ngô, nên mất đi 3ha cũng là vấn đề lớn đối với bà con dân bản. Trong khi chưa thấy tỉnh có chính sách gì cho người dân chúng tôi hết”, ông San nói.
Thảo quả có đặc điểm dễ thích nghi dưới tán rừng già, có tầng thảm mục, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp và ánh sáng yếu. Chính vì vậy, cây này thích hợp trồng trên khu vực núi cao trên 1.000m so với mực nước biển.
Trên thị trường hiện nay, thảo quả có giá khoảng 170 ngàn đồng/kg. Nếu so sánh với cây lúa, ngô trong điều kiện diện tích đất đai hạn hẹp và việc canh tác gặp nhiều khó khăn thì thảo quả không chỉ dễ trồng, dễ chăm sóc, ít vốn đầu tư mà hiệu quả lại cao hơn hẳn.
Chỉ nhận được sự... động viên
Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, cơ quan này đang phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn bà con thu dọn toàn bộ những cây đã chết, chăm bón các gốc cây chưa thối gốc, chờ khi thời tiết thuận lợi cây có thể sống lại.
Nhiều năm nay, tỉnh Lai Châu chưa có chủ trương mở rộng diện tích và cũng chưa có chủ trương hỗ trợ diện tích thảo quả thiệt hại do thời tiết gây ra như vừa qua. Vì thế, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ cho người nông dân bị thiệt hại mà chỉ động viên, hướng dẫn về khâu chăm sóc cây trồng cho bà con.
Ngoài chính quyền địa phương, bà con còn được đơn vị Bộ đội biên phòng nơi đây hỗ trợ trong việc xử lý cây thảo quả bị chết khô. Đại úy Thiệu Quang Hùng, Chính trị viên đồn Biên phòng Dào San đánh giá, trận mưa đá và tuyết ảnh hưởng khá lớn tới thu hoạch và đời sống của bà con, trong khi nguồn thu chủ yếu và đồng thời giúp cho các gia đình thoát nghèo lại đang trông chờ vào cây này.
“ Đồn Biên phòng Dào San đang phối hợp, tham mưu với chính quyền xã trong việc khắc phục hậu quả do thời tiết, quy hoạch phát triển đầu ra cho bà con như thế nào để hợp lý nhất, do việc thu mua và buôn bán vẫn chủ yếu cho người Trung Quốc. Chúng tôi hiện chỉ biết thăm hỏi, động viên và giúp bà con thu dọn cây chết, chăm sóc những gốc còn sống”, Đại úy Hùng nói.
Được biết, đối với người nông dân nơi đây, từ khi có cây thảo quả, cuộc sống của họ đã cải thiện một cách đáng kể. Ông Ma Nủ khẳng định: “Nhà nào thu hoạch nhiều nhất thì được khoảng 100 triệu/năm, còn lại chủ yếu là 30-40 triệu. Xưa không có cây này thì chỉ trồng lúa, ngô thôi, đời sống khổ lắm. Nhưng từ khi trồng cây này, bà con khấm khá, có nhà xây, có nhà mua được cả ô tô nhờ cái cây này đấy”.
Vì vậy, người dân nơi đây đang cần sự hỗ trợ cụ thể từ chính quyền để vượt qua khó khăn tiếp tục tái sản xuất cho những vụ mùa thu hoạch sắp tới để “nồi cơm” của họ lại đầy.
“Mưa đá ác quá, hỏng hết thảo quả rồi, lại phải chờ đến sang năm thôi. Năm ngoái mất, năm nay cũng mất. Mình có khoảng 1.000 gốc, một năm thu hoạch được vài tạ khô, năm nay chết hết không thu hoạch được gì nữa...”, anh Thào A Già, ở bản Hợp Hai, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.