Thờ cúng Tổ tiên – Truyền thống đẹp của người Việt
Theo chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, thuyết Tam tài của phương Đông chỉ ra rằng, vận mệnh con người bị chi phối bởi 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân. Và tập tục bày biện bàn thờ, thờ cúng tổ tiên dịp năm mới chính là yếu tố Thiên. Đó chính là hành động gửi ước vọng và sự tưởng nhớ của mình đến trời đất, đến ông bà tổ tiên nhân dịp năm mới.
Tục bày biện bàn thờ còn xuất phát từ một yếu tố: Dân tộc Việt Nam xuất phát từ văn hoá định canh định cư, nguồn gốc nông nghiệp lâu đời. Cư dân nông nghiệp thường dùng hoa quả, cây trái, vật nuôi dâng cúng trời đất, tổ tiên như một lời tạ ơn, lâu dần mà thành tập tục tốt lành.
Trên bàn thờ ngày Tết của người Việt, thịnh nhất vẫn là mâm ngũ quả. Số 5 tượng trưng cho ngũ hành. Với người phương Nam, ngũ quả thường giản dị như tính cách hào sảng của họ: Bao gồm những trái cây mang tính tượng thanh thiên về điều ước may mắn tốt đẹp cho năm mới: Cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài), sung (trái sung)/ Cầu, may (trái mây), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài)…
Người phương Bắc chuộng những loại quả tượng hình trưng trên bàn thờ ông bà như nải chuối, quả phật thủ tượng trưng cho bàn tay nâng đỡ, bệ phóng cho một năm nhiều may mắn, tốt đẹp. Ngoài ra, những loại quả có hình tròn, màu sắc đỏ hay vàng cũng rất được ưa chuộng trong mâm ngũ quả của người miền Bắc như cam, hồng…
Do tính chất, quan niệm khác nhau của mỗi vùng miền, có khi những trái được chuộng của miền này lại là trái “kị” của miền khác trong bày biện cúng ông bà. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là bày biện thế nào, loại trái tên gì, tượng trưng cho điều gì, chỉ cần là chọn trái cây mình thấy may, thấy thích, đặc biệt cây trái phải tươi ngon, hoa có màu sắc tươi tắn rực rỡ. Chỉ cần có niềm tin, có ước vọng gửi gắm vào trong ấy và có tâm hướng về ông bà tổ tiên thì tức là “Thiên” đã “thời” rồi.
Chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Hữu Hồng Kỳ chia sẻ, thể hiện rõ nhất của Địa và Nhân trong truyền thống đón Tết của người Việt chính là sửa soạn nhà cửa và sự dọn dẹp tươi mới về tâm hồn.
Trước Tết, hầu như gia đình nào cũng trải qua những ngày cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Theo quan niệm dân gian, việc dọn dẹp để căn nhà được sạch, tươi tắn để đón Tết tươi vui. Sâu xa hơn, việc dọn nhà mang một ý nghĩa phong thuỷ - tâm linh tốt đẹp: Đó là đuổi cũ đón mới, xua đi những tà khí, buồn bã, dơ bẩn tồn đọng của một năm, để căn nhà hoàn toàn tinh tươm đón những điều mới mẻ, tốt lành.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, để công việc “đuổi cũ, đón mới” hoàn hảo, tốt hơn hết vào đêm 29 hoặc 30, nên nhóm bếp lò giữa nhà, đốt trầm hương xông nhà. Điều này không chỉ giúp thanh lọc không khí, xua đuổi côn trùng mà còn có tác dụng rất tốt khiến ngôi nhà ấm áp, đẩy hoàn toàn khí xấu, bẩn khỏi ngôi nhà.
Điều quan trọng nhất trong việc dọn dẹp đuổi cũ, đón mới không phải là dọn những gì mà dọn như thế nào. Nếu cả gia đình cùng chung tay đồng lòng dọn dẹp nhà cửa trong niềm vui, sự hào hứng thì chắc chắn điều này sẽ có thể đem đến may mắn, an vui cho cả gia đình vào năm mới.
Bên cạnh dọn dẹp nhà cửa, tâm hồn mỗi người cũng là thứ cần dọn dẹp và thanh lọc lại, đây chính là yếu tố Nhân trong truyền thống đón tết của người Việt được chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Hữu Hồng Kỳ nhấn mạnh. Cuối năm, con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy tất bật của công việc. Nhiều người bận rộn đến bỏ quên mất niềm vui sum họp gia đình, chỉ đến sát Tết mới cuống cuồng lo lắng. Điều này hoàn toàn không nên.
Chính vào những ngày tháng cuối cùng của năm, mỗi người cần có những nghiền ngẫm, thanh tẩy tâm hồn, tự xua đi những điều buồn bã, không may, bất trắc của năm cũ để tâm hồn rộng mở, tươi vui đón chào những điều may mắn, tốt đẹp đang tới.
Đây cũng là lúc người ta nên tìm về các giá trị của gia đình. Cùng với gia đình sửa soạn đón tết, quét dọn nhà cửa, bày biện bàn thờ, mua sắm đồ cho con cái, quà cho đấng sinh thành… Và quan trọng hơn hết, đó là những “lời nói có hoa”, tức lời yêu thương dành cho những người thân, người chung quanh mình.
Từ đó, trong tâm hồn sẽ nhẹ nhàng khoan hoà, tự khắc niềm vui và may mắn sẽ đến. Phải hiểu vì sao ông bà ta kiêng lời buồn bã, lời bực dọc, không may, coi đó là “điềm gở” cũng được, hay theo phong thuỷ thì hoà khí, vượng khí sẽ chỉ đến theo những lời tốt lành, những nụ cười tươi tắn và gương mặt rạng rỡ, tươi vui.
Luận theo khoa học phong thuỷ, những tập tục truyền thống đón Tết của gia đình Việt, thoạt nhìn chứa đựng hoàn toàn yếu tố tâm linh nhưng thực ra chứa đựng cả tính giáo dục, cả khoa học và tâm lý học. Đừng quá coi trọng đón Tết phải sửa nhà cửa đẹp thế nào, ăn Tết có rầm rộ không, trang hoàng sao cho lộng lẫy hay trưng bày vật phẩm phong thuỷ sao cho chiêu tài tấn lộc, quan trọng nhất là ở sự hoà quyện hợp lý giữa Thiên- Địa- Nhân.
Phong thuỷ học có một khái niệm là Phong thuỷ niềm tin. Nghĩa là, tất cả xuất phát từ cái tâm ta, từ ước vọng và sự tin tưởng của bản thân ta. Khi ta luôn nói lời đẹp, hướng đến những ý nghĩ tốt, đặt những ước vọng vui tươi cho mình và mọi người, “tâm tưởng sự thành” - tự khắc điều đó sẽ đến trong năm mới.