Theo ông Đồng, một trong những khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn hiện nay là mặc dù lực lượng chức năng đã lắp camera giám sát nhưng các đối tượng lấn chiếm, phá rừng lựa chọn thời điểm thực hiện hành vi vi phạm vào ban đêm, mặc quần áo trùm kín mặt nên dù cơ quan điều tra vào cuộc cũng khó xác định được danh tính để xử lý.
Ngoài ra, việc trồng lại rừng trên diện tích đất lấn chiếm cũng gặp khó, đó là lực lượng chức năng cứ trồng lại rừng là bị phá nhổ. Trước thực trạng trên, Chủ tịch huyện Đam Rông cho biết đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng như thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Một trong những giải pháp hữu hiệu theo ông Đồng là cơ quan chức năng đã thường xuyên kiểm tra, kiên quyết tháo dỡ, không cho cây trồng, vật kiến trúc tồn tại trên đất rừng bị lấn chiếm. Nhờ đó, 2 tháng đầu năm 2022, số lượng vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Cách đây ít ngày, UBND huyện Lạc Dương đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Liêng Jrang Ha Rô Ky - Chủ tịch UBND xã Đạ Sar để xem xét hình thức kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra những tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn năm 2021.
Trước đó, Sở NN&PTNT tỉnh đã đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND Đạ Sar, Đa Nhim (huyện Lạc Dương), Chủ tịch UBND các xã Phi Liêng và Đạ Long (huyện Đam Rông) vì trong năm 2021, trên địa bàn các xã này xảy ra nhiều vụ vi phạm về lý bảo vệ rừng gây thiệt hại lớn.
Đồng thời, Sở này cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng hoàn thiện hồ sơ thuyên chuyển bố trí công tác khác đối với ông Đồng Văn Lâm - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương; ông Đồng Văn Tuyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà; ông Mai Chí Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông.
Liên quan đến các tồn tại về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn 3 huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật với hình thức thuyên chuyển công tác đối với trưởng ban quản lý các Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, Lâm Hà và Sêrêpốk; đồng thời, kỷ luật khiển trách đối với Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 490 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp gây thiệt hại trên diện tích 36 ha rừng, khối lượng lâm sản bị thiệt hại 2.000 m3 gỗ. Trong đó, đã xử lý 413 vụ vi phạm hành chính, nộp ngân sách hơn 6,1 tỷ đồng và xử lý hình sự 36 vụ việc.