Đây không chỉ là thất bại của một chủ trương đúng đắn mà là còn thất bại của một cố gắng ứng xử văn hóa, gầy dựng nếp sống văn minh, là biểu hiện của sự bất lực trong quản lý đô thị.
Trong một diễn biến liên quan thì sắp tới đây, hành vi gây cản trở giao thông của người đi bộ có thể bị xử lý hình sự với mức "tột khung" là 15 năm tù giam. Chúng ta buộc phải tự hỏi: Thế cái hành vi đẩy người đi bộ khỏi vỉa hè, buộc họ phải đi xuống lòng đường thì bị xử lý như thế nào cho thích đáng? Và, những hành vi gây cản trở giao thông như đào đường vô tội vạ, lập “lô cốt” án ngữ giữa đường, liên tục thay đổi đá, gạch lát vỉa hè, kéo dài liên tu bất tận các công trình giao thông thu hẹp lòng lề đường,... thì xử lý, phạt, thậm chí bỏ tù thế nào đây cho hợp lẽ công bằng?
Rồi, thủ phạm gây ra kẹt xe, tắc đường là do quy hoạch không hợp lý, nhà cao tầng, khu dân cư xây trong nội đô, đường xá và không gian giao thông bị thu hẹp tối đa,... thì ai phải chịu trách nhiệm và giải quyết vấn đề này như thế nào?.
Trong khi đó, một giải pháp đưa ra hết sức bất hợp lý, khiến người dân khó chịu là chủ trương thu phí chống ách tắc giao thông nhằm vào túi tiền của những người trực tiếp tham gia giao thông nhưng không phải thủ phạm chính gây ra chuyện này! Và, nếu có thu được phí này thì có giảm được ách tắc giao thông không? Câu trả lời dứt khoát là “không”, bởi nó cũng như tiền ngân sách bỏ ra để chống ngập vậy, tiền chui xuống cống hết mà nước thì không chịu chui vào đó. Hoặc, cũng như phí bảo trì đường bộ, phí bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu,... người ta không hề thấy sự hiện hữu trên thực tế với mục đích sử dụng của các loại phí này.
Một sự đơn giản như chân lý: “Vỉa hè dành cho người đi bộ” mà không thể thực hiện nổi thì nói gì đến những chuyện to tát và trừu tượng hơn?.
Xin chia buồn cùng ông Đoàn Ngọc Hải, người hùng hè phố đã trở nên cô độc giữa phố phường đông đúc!